Khi chiến tranh nổ ra, những người con trai mạnh mẽ, tràn đầy sức sống đã lên đường với lòng yêu nước và ý chí bảo vệ Tổ quốc.
Họ rời xa gia đình, gác lại ước mơ, tuổi trẻ và cả cuộc sống bình yên để đứng nơi đầu sóng ngọn gió, chiến đấu vì hòa bình cho quê hương.
Hình minh họa. (Ảnh: VGP)
Ngày họ ra đi, là những lời chào đầy tự hào của gia đình, là niềm hy vọng của đất nước.
Nhưng ngày họ trở về, thay vì dáng vóc mạnh khỏe ngày xưa, họ mang trên mình những vết thương không thể lành.
Có người mất đi một phần cơ thể, cụt chân, mất tay. Có người mang theo những nỗi đau vô hình – vết thương tâm hồn chẳng thể chữa lành. Họ trở về không còn như trước, nhưng vẫn là những anh hùng đã hy sinh máu xương cho đất Mẹ.
Thế nhưng, thật xót xa khi thay vì sự biết ơn, trân trọng, nhiều người trong xã hội lại nhìn họ với ánh mắt lạnh lùng, thậm chí là miệt thị. Họ bị gọi bằng những cái tên đầy tổn thương như “thằng què,” “đồ tật nguyền,” hay bị chế giễu vì những khiếm khuyết cơ thể. Những tiếng cười, những lời chọc ghẹo như những nhát dao cứa sâu vào lòng tự trọng của họ.
Những kẻ buông lời cay nghiệt ấy có lẽ không biết, chính những người mà họ khinh thường đã từng đứng giữa lằn ranh sống chết, đã hy sinh máu thịt để họ có được ngày hôm nay – một cuộc sống hòa bình, tự do. Họ không biết rằng, để giữ vững lá cờ Tổ quốc, những con người ấy đã gác lại cả tuổi thanh xuân, chấp nhận những vết thương suốt đời không thể chữa lành.
Họ là những anh hùng. Những vết sẹo, những khiếm khuyết trên cơ thể họ không phải là điều đáng xấu hổ, mà là huy hiệu của sự dũng cảm, của lòng yêu nước. Mỗi bước đi khó khăn trên đôi chân giả, mỗi cánh tay mất đi là minh chứng cho sự hy sinh thầm lặng mà họ đã dành cho quê hương.
Bởi vậy chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục hơn nữa cho thế hệ trẻ hiểu biết về những hi sinh, mất mát của thế hệ cha anh, từ đó giúp họ hiểu và trân trọng quá khứ, thắp sáng lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước để đổi lấy cuộc sống mà chúng ta đang có.
Hòa bình không tự nhiên mà có. Nó được xây dựng bằng máu, nước mắt, và cả những phần cơ thể mà những người lính đã để lại nơi chiến trường. Chúng ta – những người đang hưởng thụ thành quả đó - phải biết tri ân và bảo vệ danh dự của họ.
Hãy để những người lính trở về không chỉ mang theo vết thương, mà còn mang theo sự ấm áp của một xã hội luôn biết ơn và trân trọng họ. Đừng để những hy sinh của họ trở thành điều bị quên lãng, và đừng để những vết thương ấy thêm một lần nữa bị xát muối bởi sự vô tâm của chúng ta.
phapluatplus.baophapluat.vn