Mỗi người một hoàn cảnh, công việc khác nhau, từ người chiến sĩ Công an nhân dân, cán bộ phường, lực lượng bảo vệ Lăng Bác... đến những người lao động tự do ngoài đường phố, nhưng họ đều có điểm chung là làm việc với tinh thần vô cùng lạc quan, hết mình vì nhiệm vụ và vì cuộc sống mưu sinh.
Anh Vũ Đoàn Tuấn Quang làm nhiệm vụ vào Ngày Quốc tế lao động. Ảnh: Kiều Minh
Anh Vũ Đoàn Tuấn Quang (25 tuổi, lực lượng bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Lực lượng bảo vệ Lăng Bác là một trong những lực lượng đặc thù không được nghỉ vào những dịp lễ. Tuy nhiên, thay vì hụt hẫng, cá nhân tôi và các đồng chí công tác trong ngành đều cảm thấy vô cùng tự hào khi được lao động trong những ngày này. Đặc biệt, khi được phân công chốt trực tại Lăng Bác, tôi càng tự hào hơn nữa vì được cống hiến cho đất nước”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (cán bộ tại phường Quán Thánh) cho biết: “Đối với tôi, lao động là vinh quang, còn sức thì sẽ còn cống hiến và làm việc. Mọi người thường đi chơi rất đông vào những ngày nghỉ lễ, chính vì vậy, công việc chốt trực tại những địa điểm đông dân lại càng quan trọng hơn nữa. Để đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn cho mọi người, chúng tôi luôn cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ông Nguyễn Đình Nam (bên trái) và ông Nguyễn Văn Tuấn làm việc tại chốt trực trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Kiều Minh
Ông Đình Nam (cán bộ tại phường Quán Thánh) tâm sự thêm: “Trong quá trình lao động, bên cạnh trách nhiệm thì tình yêu công việc là yếu tố vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc, trong khi mọi người được nghỉ ngơi. Tất nhiên, ai cũng muốn dành thời gian cho bản thân và gia đình, nhưng nếu nhiệm vụ chưa hoàn thành thì bản thân tôi chưa thật sự yên lòng”.
Chị Nguyễn Thị Thu cùng gánh hàng rong của mình rong ruổi không nghỉ trên khắp phố phường Hà Nội. Ảnh: Kiều Minh
Còn chị Nguyễn Thị Thu (43 tuổi) vui vẻ cho biết: “Tôi thường không nghỉ ngày nào, kể cả vào các dịp lễ, trừ khi sức khoẻ quá yếu không thể đi được. Một phần vì mưu sinh, nhưng cũng vì tôi quen với việc đi làm hằng ngày rồi, nếu nghỉ ở nhà thì buồn chán lắm! Tôi nghĩ, còn sức thì cứ đi làm, công việc nào cũng sẽ vất vả nhưng đều có niềm vui riêng”.
Ông Nguyễn Văn Biền cũng là một trong những người lao động tự do miệt mài mưu sinh trong Ngày Quốc tế lao động. Ảnh: Kiều Minh
Ông Nguyễn Văn Biền tâm sự: “Công việc mưu sinh trên đường tất nhiên là vất vả, nhưng cũng có nhiều niềm vui. Vào những ngày lễ, mọi người được nghỉ, tôi vẫn quyết tâm đi làm, vừa có thêm thu nhập, vừa được ngắm nhìn đường phố Thủ đô Hà Nội dịp lễ, Tết mới thấy nét đẹp yên bình mà ngày thường khó gặp lắm”.
Ông Nguyễn Văn Thắng đã làm nghề thợ khoá được hơn 20 năm. Ảnh: Kiều Minh
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng kể: “Tôi đã làm nghề thợ khoá được hơn 20 năm, cũng ngót nghét 15 năm ngồi trên đường phố Hà Nội. Với tôi, khi nào khách còn cần mình thì kể cả dịp lễ hay dịp Tết, tôi đều không từ chối. Có lần, khách gọi gấp nửa đêm, tôi cũng lấy xe chạy qua, nhưng không lấy tiền, vì thấy người ta nghèo quá”.
Chị Đỗ Bích Hạnh vẫn mở cửa hàng ngay cả trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Kiều Minh
Chị Đỗ Bích Hạnh tươi cười cho biết: “Hôm nay, thời tiết mát hơn nên mọi người cũng ra ăn hàng nhiều hơn. Mấy hôm nghỉ lễ, ngày nào tôi cũng mở cửa hàng, đang làm việc quen mà nghỉ thì cả nhà đều buồn. Kinh doanh buôn bán nhìn khách hàng đi ra đi vào cảm thấy vui hơn nhiều”.
Những người lao động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Kiều Minh
Chị Nguyễn Thị Thoa, công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc ngay cả dịp nghỉ lễ. Ảnh: Kiều Minh
Để giữ cho đường phố luôn sạch đẹp, công nhân vệ sinh môi trường cũng là một trong những lực lượng làm việc không ngơi nghỉ. Chị Nguyễn Thị Thoa (45 tuổi) cho hay: “Đặc thù nghề nghiệp là vậy. Nhà tôi ở Hà Nội nên tôi thường xung phong đi làm cả những ngày lễ, Tết để các đồng nghiệp ở xa có thể về quê. Giữ đường phố sạch đẹp là nhiệm vụ của chúng tôi. Vì quen với nhiệm vụ này nên tôi không thấy buồn hay thất vọng khi không được nghỉ như mọi người...”.
Kiều Minh - Hà Nội mới