Hình minh họa
Là những hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện, chất lượng cao Việt Nam ký kết với một đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu, EVFTA và EVIPA sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Quyết định của EP phê chuẩn 2 hiệp định, một lần nữa thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, không phải chỉ ta khen ta mà quốc tế ghi nhận. Tất nhiên, cả hai bên đều có lợi.
EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025.
Các Hiệp định EVFTA và EVIPA sau khi hoàn tất quá trình phê chuẩn và đi vào triển khai trong năm 2020 sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam - EU, tạo những dấu mốc mới trong phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tháng 10/2018, khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU và Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định “sẽ mở ra cánh cửa rộng để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn”.
Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU để gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh và được ưu đãi thuế quan như dệt may, da giày, nông - thủy sản… Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có.
Hiệp định EVFTA và EVIPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số. EVFTA cũng bao quát nhiều cam kết mới về phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, quản trị rừng bền vững, các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường... Điều này, Việt Nam đang rất cần.
Chắc chắn sau khi Quốc hội phê chuẩn, các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp sẽ bắt tay ngày xây dựng kế hoạch triển khai hiệp định, tuyên truyền, phổ biến các cam kết, nắm chắc các quy định mới để có thể tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời ứng phó với những thách thức có thể phát sinh.