Những “hot boy, hot girl” Việt Nam tham dự SEA Games 31
Kinhte&Xahoi
Các vận động viên của Việt Nam tham dự SEA Games 31 có tuổi đời rất trẻ. Bên cạnh thành tích thi đấu của họ, hình ảnh những “hot boy, hot girl” trong làng thể thao nước nhà cũng là chủ để nóng hổi, thu hút sự quan tâm của khán giả trước thềm Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Chàng “thủ thành” tài năng, điển trai
Với những chiến thắng vang rội, đội bóng nam U23 Việt Nam càng được chú ý trong kỳ SEA Games 31 đang diễn ra. Chàng thủ môn Nguyễn Văn Toản là một trong những "hot boy triệu người mê", với tài năng và ngoại hình nổi bật trong đội bóng.
Nguyễn Văn Toản, sinh năm 1999, đến từ Hải Phòng đam mê bóng đá từ nhỏ. Với sức bền và chiều cao vượt trội, cùng với khả năng làm chủ của mình, Văn Toản thực sự đã lọt vào tầm ngắm của các huấn luyện viên. Anh được dìu dắt, rèn luyện để có những bước đệm vững chắc, trở thành một thủ thành như hiện nay. Dù có những lúc chững bước trong sự nghiệp bóng đá nhưng chàng trai trẻ không từ bỏ ước mơ. Văn Toản được huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Đức Cảnh kêu gọi vào đội Hải Phòng. Kể từ đó sự nghiệp bóng đá của anh bắt đầu có những bước phát triển.
Thủ môn Nguyễn Văn Toản
Nguyễn Văn Toản là thủ môn trẻ tuổi nhưng đã có thành tích ấn tượng. Tại SEA Games 30 diễn ra ở Philippines, Văn Toản có màn trình diễn tương đối xuất sắc. Sau khi phạm một số sai lầm trong trận gặp U-22 Thái Lan tại lượt trận cuối cùng vòng bảng nhưng sau đó anh đã có màn trình diễn xuất sắc tại vòng bán kết và chung kết giúp U-22 Việt Nam giành huy chương Vàng. Tại SEA Games 31 này, cậu là thủ môn bắt chính cho đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.
Tay vợt số 1 Việt Nam
Vận động viên Nguyễn Thuỳ Linh là tay vợt nữ xuất sắc của cầu lông Việt Nam trong những năm gần đây. Cô gái trẻ sinh năm 1997 quê ở Phú Thọ. Cô đến với cầu lông nhờ định hướng của ông ngoại. 10 tuổi Thuỳ Linh xa nhà xuống Hà Nội học lớp năng khiếu. Tập được 2 năm, Thuỳ Linh phải tạm dừng vì bố mẹ lo con gái vất vả. Cô đã phải mất một năm thuyết phục cùng với sự hỗ trợ của ông ngoại để có thể trở lại với cầu lông chuyên nghiệp.
Linh từng nói, ông ngoại luôn là người đồng hành lớn nhất ở những bước chân đầu tiên trong sự nghiệp. "Niềm đam mê của ông cũng là đam mê của mình. Mình sẽ luôn cố gắng để ông ở trên cao nhìn xuống có thể tự hào về mình", Linh tâm sự.
Tay vợt cầu lông Nguyễn Thuỳ Linh
Năm 2014, Thùy Linh giành huy chương Vàng giải Vô địch cầu lông trẻ toàn quốc, trở thành tay vợt số hai Việt Nam sau Vũ Thị Trang. Năm 2016, cô được chọn vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games 28 khi 18 tuổi.
Năm 2018 cô thắng đàn chị Vũ Thị Trang 2-1 tại bán kết cầu lông nữ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và trở thành số 1 Việt Nam. Thùy Linh từng đại diện cho thể thao nước ta tham dự các giải đấu lớn nhỏ khác nhau, mang về những tấm huy chương quý giá tại SEA Games và các giải quốc tế. Tại Olympic Tokyo 2020, Thuỳ Linh để lại dấu ấn với những chiến thắng lớn và tiếp tục là niềm hi vọng vàng của thể thao Việt Nam nói chung, bộ môn cầu lông nói riêng tại SEA Games 31.
“Thần đồng” bơi lội
13 tuổi, kình ngư từng được xem là “thần đồng bơi lội” Nguyễn Hữu Kim Sơn bắt đầu xuất hiện trong làng bơi đỉnh cao Việt Nam. Trải qua những lần thi tuyển thua cuộc, chàng trai trẻ chuyển sang nội dung 400m hỗn hợp và lập tức giành huy chương Vàng SEA Games, thậm chí phá luôn kỷ lục của đấu trường này.
"Kình ngư" Nguyễn Kim Sơn
Đến nay, "thần đồng bơi lội" đã là một chàng trai trưởng thành. Kim Sơn là một trong những đại diện của đội tuyển bơi lội Việt Nam trên trường quốc tế. Anh từng gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ khi phá đổ kỷ lục SEA Games nội dung 400m ở tuổi 15. Ngoài ra, Kim Sơn cũng đạt được nhiều thành tích đáng nể như 4 huy chương Vàng ở nhiều nội dung khác nhau như 200m, 400m hỗn hợp, 500m tự do… Anh là một trong những vận động viên được kỳ vọng trên “đường đua xanh” SEA Games 31.
Võ sĩ Karatedo xinh đẹp
Trải qua 6 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, nữ võ sĩ Hoàng Thị Mỹ Tâm (sinh năm 2003) đã từng bước chinh phục các đỉnh cao. Cô đã xuất sắc giành 3 huy chương Vàng tại giải Vô địch Karatedo châu Á 2021.
Yêu thích bộ môn Karatedo từ nhỏ qua những buổi học năng khiếu, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã sớm đặt ra cho mình mục tiêu trở thành võ sĩ. Cuối năm 2015, cô đăng ký theo học bộ môn này tại Trung tâm Thể dục thể thao Hà Tĩnh.
Hoàng Thị Mỹ Tâm
Sau gần một năm, Mỹ Tâm được lên tuyển trẻ và chuyển vào học tập tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ở TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2020, Hoàng Thị Mỹ Tâm chuyển ra học tập tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Không tự mãn với những gì mình đã đạt được, cô gái trẻ luôn cần cù, chịu khó luyện tập để chinh phục các đỉnh cao mới.
Đối với nữ võ sĩ trẻ, Karatedo không chỉ là bộ môn dùng chân tay mà còn phải sử dụng trí óc để quan sát, tìm các lối đánh hay, đánh đẹp. Vì vậy, sau mỗi buổi tập, Mỹ Tâm cũng dành nhiều thời gian suy nghĩ, tìm hiểu để đạt chiến thuật tốt nhất. Nữ võ sĩ trẻ cũng cho biết, động lực giúp cô vượt qua mọi khó khăn là sự ủng hộ, sát cánh của gia đình cùng các thầy cô, bạn bè. Dù không ít lần nản chí, muốn buông xuôi nhưng nhận được sự động viên, cổ vũ của người thân, bạn bè, thầy cô, Mỹ Tâm lại vực dậy tinh thần để tiếp tục luyện tập và cố gắng thi đấu thành công.
Tại SEA Games 31, Mỹ Tâm còn là vận động viên được Ban tổ chức chọn tham gia rước cờ, thắp đuốc khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này.
Lê Dung - TTTĐ