Tình người trong khu phong tỏa
Cho đến nay đã có hơn 400 điểm bị phong tỏa tại TP HCM. Câu nói vui “tạ ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, thấy trước nhà chưa bị đến giăng dây” vừa phản ánh thực tế và tinh thần lạc quan của người dân thành phố.
Thời điểm ban đầu, không ít người dân bày tỏ sự hoang mang không biết xoay xở ra sao khi bị phong tỏa, thậm chí lo thiếu ăn, thiếu các sinh hoạt thiết yếu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc sống của người dân trong các khu phỏng tỏa vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí, không ít người còn ngạc nhiên, cảm động vì nhận được tình cảm từ những người xung quanh trong thời gian không được ra khỏi nhà.
Có không ít cả gia đình xung phong đi nấu ăn cho lực lượng chống dịch, nấu ăn phục vụ các khu phong tỏa. Cũng trong thời điểm này, Bếp ăn Sài Gòn đã ra đời, với phương châm “còn phong tỏa là còn nổi lửa tiếp tế” với hơn 2.000 suất ăn mỗi ngày đi khắp thành phố.
Chị Lê Nguyệt Hằng, Giám đốc Công ty CP Quốc hoa Việt Nam là một trong những cư dân khu vực bị phong tỏa ở tổ 18, KP2, đường Lương Văn Can, quận 8 do có ca F1 và F0. Khu phong tỏa có khoảng 45 hộ với gần 150 nhân khẩu, do có ca F1 và F0. Chị Hằng thường xuyên lên mạng chia sẻ, cập nhật tình hình cuộc sống và câu chuyện ăm ắp tình người trong khu phong tỏa với khoảng 45 hộ, gần 150 nhân khẩu.
“Người dân trong khu phong tỏa nơi tôi đang sống những ngày qua nhận được rất nhiều hỗ trợ từ nhiều nơi: Các mạnh thường quân ở quận 1, Hội Chữ thập đỏ, doanh nghiệp từ Đà Lạt… đến thăm hay gửi đồ tiếp tế là nhu yếu phẩm, thực phẩm hàng ngày. Cảm động nhất là bà con buôn bán ở khu vực xung quanh. Cô bán bánh ướt, chị bán bò kho, mì xào, cô tạp hóa… Dù họ cũng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tiếp tế cho mọi người trong hẻm đầy đủ thức ăn ngày 3 buổi.
Ngay chính trong khu phong tỏa, các gia đình cũng hỗ trợ lẫn nhau vì có người khá giả, có người ở trọ, khó khăn…, đi gõ cửa từng nhà để chia sớt thức ăn cho nhau. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tình người lại đậm đà, sâu sắc đến thế. Giờ tôi mong mỏi mọi việc bình an, dỡ phong tỏa tôi sẽ đi phụ nấu ăn từ thiện và vận động nước uống, đồ bảo hộ cho các khu cách ly tập trung. Đó là cách mình trả lại cái ơn mà mình đã nhận trong những ngày qua”, chị viết.
Hướng về Sài Gòn
“Thương Sài Gòn quá”, “Sài Gòn ơi cố lên nhé”, “cả nước hướng về các bạn” là những thông điệp được lan tỏa trên mạng xã hội thời gian này để động viên tinh thần người Sài Gòn trong tâm dịch.
Những họa sĩ biếm họa, họa sĩ truyện tranh cũng đưa câu chuyện “Sài Gòn trong tâm dịch” lên những tranh vẽ với phong cách đầy đáng yêu và lạc quan. Hình ảnh Sài Gòn được nhân hóa thành một em bé đang ốm với thông điệp “Sài Gòn đang ốm, cả nước ở bên Sài Gòn, Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại thôi” cũng được chia sẻ mạnh mẽ.
Thời điểm này, nhiều người dân TP HCM cũng “khoe” được bạn bè khắp nơi gửi quà, thực phẩm để “động viên”. “Bạn tôi ở Hà Nội sợ tôi ở TP HCM bị hạn chế ra đường, ăn uống không đầy đủ nên gửi vào nào giò lụa, hạt sen, đồ khô các kiểu. Bạn bè ở các nơi cũng liên tục hỏi thăm xem có cần gì không, có thiếu thốn gì không, rồi bao lời động viên, khiến mình ấm lòng và cảm động lắm”, chị Phan Hạnh Tiên, nghệ sĩ piano sống tại Thảo Điền, TP Thủ Đức chia sẻ.
Mới đây, nhiều chuyến xe từ Lâm Đồng đã đến ủng hộ người dân TP HCM chống dịch Covid-19. Đây là hoạt động trong chương trình “Chuyến xe yêu thương” do Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ và Liên đoàn Lao động tỉnh kêu gọi, nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của người dân, đoàn thể... Chỉ sau hai ngày phát động, chương trình đã vận động được 55 tấn nông sản các loại, 19 tấn gạo, 500 thùng mì ăn liền, 3.500 quả trứng, hơn 70 triệu đồng và các loại nhu yếu phẩm khác.
Hình ảnh các tình nguyện viên, đoàn viên áo xanh Đà Lạt hồ hởi vận chuyển hàng lên xe gửi về Sài Gòn được lan tỏa rộng khắp truyền thông, mạng xã hội. Những hội, nhóm Đà Lạt liên tục đăng tải thông tin kèm thông điệp “Đà Lạt gửi đến Sài Gòn muôn vàn tình thương mến” làm người Sài Gòn ấm lòng.
Những đợt dịch trước, khi nhiều tỉnh, thành trở thành tâm điểm của dịch bệnh, người Sài Gòn cũng không tiếc tiền của, công sức để quyên góp, ủng hộ. Những chuyến xe yêu thương liên tục được đưa đến những miền xa. Đất nước đang trong những ngày gian khó nhưng ngọn lửa yêu thương chưa bao giờ tắt.
Ngọc Mai - Pháp luật Plus