Cán bộ y tế lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân tại trạm xét nghiệm dã chiến ở Trường Trung học cơ sở Đống Đa (quận Đống Đa).
Đồng lòng, quyết tâm không lùi bước
Tại điểm xét nghiệm nhanh ở sân Trường Tiểu học Phương Liệt (57 Phương Liệt, quận Thanh Xuân) ngày 3-4, 5 chiếc lều dã chiến được dựng lên để các bác sĩ, kỹ thuật viên Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân thực thi nhiệm vụ. Cơn mưa rả rích ẩm ướt mấy ngày nay, làm tăng thêm sự vất vả, nhưng mọi người vẫn tận tâm, trách nhiệm.
Cũng như những đồng nghiệp của mình, bác sĩ Vũ Đức Cường, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân luôn căng mình vì công việc, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. "Chúng tôi phải làm việc liên tục từ 8h sáng đến 22h đêm, thậm chí có hôm đến 3h sáng. Nhiều lúc khát khô họng mà không dám nghỉ tay để uống nước, có nhu cầu vệ sinh mà không dám đi...", bác sĩ Vũ Đức Cường cho biết.
Cũng theo bác sĩ Vũ Đức Cường, trước khi điểm xét nghiệm nhanh được thành lập, quận Thanh Xuân có 3 đội cơ động đáp ứng nhanh, mỗi đội 5 người. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cơ sở, bất kể ngày đêm, đội phải nhanh chóng có mặt tại địa bàn điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch, xác định diễn biến liên quan, từ đó có các biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Theo bác sĩ Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ngoài 60 đội cơ động thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, còn có 5 đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Khi được thông báo có trường hợp nghi ngờ, các đội chống dịch cơ động lập tức lên đường làm nhiệm vụ.
Giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi chưa tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh, công việc của các đội cơ động là lấy dịch họng, bảo quản nuôi cấy bệnh phẩm rồi gửi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm. Từ ngày 31-3 đến nay, khi các trạm xét nghiệm nhanh của Hà Nội được thành lập, từ 7h sáng, cán bộ, nhân viên y tế ở các trạm phải họp bàn phương án xét nghiệm, bảo đảm xét nghiệm nhanh và nhiều, nhưng lại không tập trung đông người cùng lúc, tránh lây nhiễm chéo. “Thời điểm này, thành viên của các đội chống dịch cơ động thay phiên nhau ăn, ngủ để bảo đảm sẵn sàng 24/24 giờ. Nhưng, tất cả đều đồng lòng, quyết tâm không lùi bước”, bác sĩ Ngô Khánh Hoàng chia sẻ.
Cùng chung những vất vả đó, các bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng ứng trực 24/24 giờ. Mỗi ngày, Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu bệnh phẩm. Để kịp tiến độ, mọi người phải làm việc gấp hai, gấp ba lần bình thường.
Bác sĩ Vũ Đức Cường tâm sự: “Nghề chúng tôi đã chọn rồi, không thể chùn bước được. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết sức mình để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho tất cả mọi người”. Còn bác sĩ Trần Thanh Thủy, Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế quận Đống Đa chia sẻ: “Hằng ngày phải tiếp xúc với những bệnh phẩm nguy cơ lây nhiễm cao, bởi vậy, công việc của chúng tôi đòi hỏi trên hết, đó là lòng yêu nghề”.
Thái độ, tinh thần làm việc của các bác sĩ, nhân viên y tế dự phòng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của người dân. Anh Nguyễn Huy T. (sinh năm 1992) cho biết, anh là một trong những người đi test nhanh tại quận Đống Đa do anh đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai. “Tôi thực xúc động khi được các cán bộ y tế tận tình hướng dẫn thực hiện, dù công việc rất nhiều và rất vất vả”, anh T. nói.
Những anh hùng thầm lặng
Không trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng luôn là những người xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm hay bị kỳ thị, ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm tuyên truyền, phát hiện sớm các nguy cơ lây lan dịch, chủ động điều tra dịch tễ, giám sát, khoanh vùng...
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: “Những người làm công tác y tế dự phòng là những người “đi trước về sau”. "Đi trước" là điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm...; "về sau" là ngay cả khi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện chúng tôi lại tiếp tục khử khuẩn, sát trùng..., để các bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng đón các bệnh nhân mới”.
Cũng theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhiều nữ y, bác sĩ y tế dự phòng đã tạm gác việc gia đình, con cái; bất kỳ ngày hay đêm, mỗi khi nhận được thông tin là lại nhanh chóng có mặt để điều tra dịch tễ, triển khai các bước để phòng, chống dịch bệnh tại chỗ...
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, các cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng của ngành Y tế Thủ đô đều ý thức được trọng trách của mình và xác định sẽ làm việc với quyết tâm cao nhất. “Dù áp lực và căng thẳng, song chúng tôi luôn tin rằng, dịch bệnh sớm được ngăn chặn và bị đẩy lùi, để chúng tôi được trở về sum vầy bên gia đình”, bác sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Đống Đa bộc bạch.
Những công việc các cán bộ y tế dự phòng Thủ đô đã và đang làm vì sức khỏe người dân trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam gọi họ là những anh hùng thầm lặng, xứng đáng được gửi đến nhiều lời tri ân. Cùng với các y, bác sĩ trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân, các y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng đãgóp phần quan trọng vào việc tạo dựng niềm tin, tiếp thêm động lực cho người dân Thủ đô để Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đồng lòng, chung sức diệt "giặc Covid-19".