Tình người cao hơn sóng biển
“Thời điểm đó sóng to gió lớn, dòng chảy mạnh, nhận định nhiều khả năng rủi ro sẽ đến với chính bản thân nhưng anh vẫn quyết tâm lao ra biển để cứu người” - anh Trần Văn Khôi (Trung tâm phối hợp tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực II) chia sẻ cảm xúc sau vụ tai nạn của tàu Vietship 01 trên vùng biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) ngày 8/10/2020.
Anh Khôi cho biết thêm, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong lần cứu nạn đầu tiên anh cùng với 3 ngư dân chỉ đưa được 2 thuyền viên về bờ. Trong lần vượt sóng thứ 2, anh trực tiếp lái xuồng chuyên dụng cùng 3 đồng nghiệp tiếp tục đi cứu nạn, nhưng không thành công do xuồng bị sóng đánh trùm lên và bị hỏng máy
"Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ xác định là có thể mạng đổi mạng, bởi vì thực tế ở hiện trường sóng gió rất lớn, gió cấp 6 cấp 7, sóng cao từ 3 đến 5m. Nhìn những người gặp nạn ngoài đó bị thương, đói rét, mọi nguy cơ có thể đến với họ. Chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá tiếp cận tàu Vietship 01 để cứu thuyền viên".
Được biết, anh Khôi là người trực tiếp 2 lần dũng cảm cùng đồng nghiệp và các ngư dân vượt sóng đi cứu nạn.
Vụ tai nạn tàu Vietship 01 chỉ là một trong 25 vụ tai nạn xảy ra trên biển từ đầu tháng 10 tới nay. (Ảnh: MRCC)
Còn đây là những chia sẻ của một số thuyền viên tàu Vietship 01 sau khi thoát khỏi tử thần. “Quá may mắn, nói chung là phúc của mình quá lớn, may có trực thăng, không có trực thăng thì anh em cũng chết rồi”.
Sóng gió ở đó quá cao, mỗi lần đánh vào ống khói tàu nó cuộn lên nhấc bổng anh em, ai không giữ được sẽ bị đánh bay khỏi tàu. Khi ấy em bị rơi xuống và bị cuốn ra ngoài biển, cứ nghĩ là chết rồi, rất sợ hãi, nhưng như là có phép màu đưa mình về”.
Câu chuyện về tàu SAR 413 cứu xà lan Đồng Nai chở cọc bê tông bị chìm trên vùng biển Cửa Đại (thuộc tỉnh Tiền Giang) hồi đầu năm 2015 cũng gây nhiều xúc động.
Giọng thuyền phó 3 Xuân trầm lắng: “Vụ cứu xà lan ấy cũng đau thương. Lúc đó sóng to gió lớn, trong đầu tôi chỉ duy nhất hai từ “cứu người”. Hồi ấy, tàu SAR 413 nhận được lệnh đi cứu xà lan Đồng Nai chìm ở biển Cửa Đại khẩn cấp. Sau 10 giờ tăng tốc đến biển Cửa Đại, tàu SAR 413 nhiều lần quần thảo tìm kiếm. Đúng lúc tâm trạng mọi người vô vọng, thì phát hiện được một ngư dân đang trôi dạt trên biển. Tàu tăng tốc, các thủy thủ quăng phao tròn, thả thang dây. Khi kéo lên tàu, nạn nhân đã nhợt nhạt. Sau đó tàu tiếp tục tìm kiếm và vớt được 5 thi thể ngư dân.
“Lúc vớt 5 thi thể lên tàu, nhìn họ thương lắm. Tất cả thủ tục tâm linh như cúng cơm, đốt hương chúng tôi làm chu đáo. Ngư dân còn sống sót được bàn giao cho bộ đội Biên phòng Côn Đảo. Cứ tưởng ra Côn Đảo sẽ được nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng không, ngay đêm đó tàu lại nhận lệnh khẩn cấp hành quân về cứu ghe cá Bạc Liêu bị chìm do phá nước ở biển Cà Mau. Vậy là thức trắng lên đường khẩn cấp”.
Tàu SAR 413 luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. (Ảnh: MRCC)
Cứ như vậy, hàng ngàn lần vượt biển cứu nạn, những người hùng này đã nhiều lần cứu sống thuyền viên, ngư dân, vớt nhiều thi thể nạn nhân chìm tàu ở nhiều vùng biển khác nhau, kể cả ngoài đại dương khơi xa hay gần bờ. Thế nhưng những thủy thủ tàu SAR 413 chưa bao giờ ngại ngùng việc vớt xác, khâm liệm thi thể nạn nhân. Bởi các anh luôn coi những nạn nhân xấu số là những người cùng đồng hành trên biển.
Đối với nạn nhân còn sống được chăm sóc sức khỏe chu đáo, thân tình; đối với thi thể, kể cả là người nước ngoài đều được khâm liệm, hương khói đàng hoàng, theo phong tục người Việt.
Điều đọng lại phía sau những giọt mồ hôi mặn mòi của biển là niềm vui không bao giờ kể xiết. Bởi các anh đã hồi sinh cho hàng trăm sự sống thuyền viên, ngư dân và xoa dịu nỗi đau mất mát cho thân nhân của những người xấu số.
Xuồng cao su của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 2 đang vượt sóng dữ tiếp cận thuyền viên bị nạn. (Ảnh: Vinamarine)
"Người hùng” thầm lặng cần được quan tâm
Trong quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc có những lực lượng thường xuyên được nhắc tới như cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân,.. bên cạnh đó cũng có những lực lượng đóng góp thầm lặng, góp phần bảo vệ an toàn cho những chuyến ra khơi bám biển của ngư dân, điển hình như Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.
Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2 mặt biển, với chiều dài hơn 3.260km bờ biển. Cơ quan chuyên trách thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên toàn bộ vùng biển Việt Nam là Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, với 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng.
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay các lực lượng chức năng đã tiếp nhận gần 500 thông tin báo nạn trên biển. Đáng chú ý là có tới gần 82% số vụ đến từ tàu cá. Trong khi đó hiện có gần 100 nghìn tàu thuyền, với hơn nửa triệu ngư dân đang khai thác trên biển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra công tác sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn của tàu SAR 413 đang làm nhiệm vụ tại Côn Đảo. (Ảnh: Bộ GTVT)
Trong 10/2020, Việt Nam liên tiếp phải hứng chịu 13 cơn bão lớn, đặc biệt, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, làm 235 người chết và mất tích, hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều tàu thuyền bị chìm đắm,...
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Trực thuộc Cục Hàng Hải Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải) được phân bố thành 4 trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ khu vực I đến IV, với việc đảm đương các nhiệm vụ cứu hộ trên từng khu vực biển khác nhau của Việt Nam.
Trong đó, khu vực I có trụ sở chính đặt tại Hải Phòng, khu vực II đặt tại Đà Nẵng, khu vực III có trụ sở đặt tại Vũng Tàu, Khu vực IV có trụ sở đặt tại Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa.
Kể từ khi được thành lập tháng 10/1996, sau 24 năm phát triển và trưởng thành, đến nay, Trung tâm đã có những thành tích đáng tự hào, luôn đồng hành hỗ trợ ngư dân trên những chặng biển xa, sẵn sàng xuất phát cứu hộ khẩn cấp, tạo điểm tự vững chắc cho bà con vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. |
Thời điểm cơn bão số 13 vào biển Đông, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức 2 Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai trên một số địa bàn. Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang làm Trưởng đoàn công tác, kiểm tra khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Trị; Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang làm Trưởng đoàn công tác, kiểm tra khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Các khu vực còn lại do Giám đốc Cảng vụ Hàng hải trực tiếp chỉ đạo.
Đặc biệt, Cục Hàng hải đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị trực tiếp tham gia công tác cứu nạn 8 thuyền viên tàu Vietship mắc kẹt cửa biển ở gần vị trí phao số 0 khu vực cảng biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 10/10. Đoàn công tác do Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng làm trưởng đoàn đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo hoạt động cứu nạn các thuyền viên trên tàu Vietship 01.
Trong vụ tàu Vietship 01 sau 2 ngày đề xuất, khi thời tiết thuận lợi hơn trực thăng mới được điều động đi cứu nạn. Tuy nhiên, đây là việc điều động vô cùng hy hữu.
Theo ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, vụ tai nạn tàu Vietship 01 chỉ là một trong 25 vụ tai nạn xảy ra trên biển từ đầu tháng 10 tới nay. Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Trung tâm đã điều động 1 xuồng cao su cùng 4 thuyền viên chuyên nghiệp đi cứu nạn.
Mặc dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hết mình, nhưng do thời tiết bất lợi, trong khi các phương tiện cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu nên việc cứu nạn chưa hiệu quả. Theo ông Hùng, khó khăn về phương tiện, thiết bị đang là rào cản lớn trong công tác cứu hộ hiện nay.
Cũng theo ông Hùng, đây là vụ việc gần bờ nên huy động các lực lượng tại chỗ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cứu nạn ở những vùng biển xa, cách bờ hàng trăm hải lý đang đối mặt với nhiều khó khăn, do tàu cứu nạn hiện có kích thước nhỏ, khả năng chịu sóng gió hạn chế.
Trong khi đó, thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, vùng hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng xa bờ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao.
"Trước kia tai nạn xảy ra có thể ngư dân họ tự cứu lấy nhau, nhưng bây giờ họ gọi hệ thống thông tin duyên hải cũng như các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, số lượng càng ngày càng tăng hơn"- ông Phan Điệp, Giám đốc đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng cho biết.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam), công tác tìm kiếm cứu nạn được nhiều quốc gia có biển trên thế giới đầu tư bài bản, chuyên nghiệp về nhân lực và phương tiện thiết bị, đáp ứng yêu cầu cứu nạn ở những vung biển xa. Ở nước ta do nguồn lực hạn chế nên việc đầu tư cho công tác này chưa thỏa đáng, nhiều vụ cứu nạn chưa thể thực hiện kịp thời.
"Những vụ tai nạn ngoài biển trong lúc thời tiết rất xấu chúng ta thường không thực hiện được ngay bởi phương tiện không đảm bảo. Mà lúc gặp nguy hiểm đều là trong tình trạng thời tiết xấu thì họ mới cần, thì chúng ta lại không có đủ nguồn lực. Cho nên việc giải quyết nhiềukhilà chậm và không đạt được như mong muốn".
Vừa qua, để công tác tìm kiếm cứu nạn hiệu quả, đặc biệt là ở những vùng biển xa bờ Cục Hàng hải Việt Nam đang đề nghị Chính phủ cho phép đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng có chiều dài 62m, chịu được gió cấp 9, cấp 10, hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu và có khả năng đi biển dài ngày; đồng thời đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, nhằm kịp thời cứu nạn trong những tình huống khẩn cấp.
Không chỉ phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu mà lực lượng tham gia cứu nạn cũng còn khá mỏng. Thời gian qua,Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cần phải có thêm sự “chi viện” từ các lực lượng như: Cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, các cảng vụ hàng hải để thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Có thể nói, để công tác cứu nạn trên biển đạt hiệu quả, ngoài sự phối hợp giữa các lực lượng thì việc đầu tư phương tiện thiết bị cứu nạn hiện đại là vấn đề cấp thiết cần được Chính phủ quan tâm. Bên cạnh đó, sự chủ động phòng tránh tai nạn là vô cùng quan trọng.
Bảo Hà - Pháp luật Plus