Nỗ lực biến màu đen của đá thành màu xanh của rừng

04/09/2019 11:01

Kinhte&Xahoi Cao nguyên đá Đồng Văn vốn được biết đến với những dãy núi trùng điệp bốn bề là một màu đá xám xịt. Nhưng nhờ nỗ lực của người dân và các ngành chức năng, dải màu đen ấy đang dần được đổi thành màu xanh của rừng, của thảm thực vật hoang dại.

Bà Thào Thị Chơ (75 tuổi) trú xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) giọng lều phều vì hàm 24 răng giờ chỉ còn có 7 bảo: Trước đây mùa hè lên núi chăn bò vào buổi trưa nóng đến cháy da, rụng xương nhưng giờ người ta biết giữ rừng, cây cỏ mọc phủ một phần núi đá nên đỡ hơn rất nhiều.

Bà Chơ là người bản địa, người viết cũng thế, thậm chí quăng quật nhiều năm ở dải đất phên dậu này nên cảm nhận rõ sự thay đổi từng ngày của 4 huyện thuộc Cao nguyên đá Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). Có du khách đến còn tấm tắc nói thế này: “Đồng bào người Mông trồng Ngô Ngô tốt, trồng cây cối cũng xanh mướt mặc dù dưới chân là đá, đủ để thấy họ kiên trì và mạnh mẽ đến mức nào”.

Độ che phủ rừng đang có xu hướng tăng tại các huyện Cao nguyên đá Hà Giang.

Nhưng để có được màu xanh ấy, người dân và chính quyền địa phương cũng phải nỗ lực rất nhiều. Trong câu chuyện nước trà ông Dương Viết Nghĩa, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đồng Văn bày tỏ rằng, cái khó khăn chung ở mảnh đất vùng cao này là bất đồng ngôn ngữ, số người trung tuổi đến thế hệ có tiếng nói nhất định trong cộng đồng thường đếm trên đầu ngón tay. Do đó, việc tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản trở nên khó khăn, nghành kiểm lâm buộc phải phối hợp với chính quyền các xã, các thôn tuyên truyền thì người dân mới hiểu và làm theo.

Riêng huyện Đồng Văn, trong 6 tháng đầu năm chỉ phải xử lý duy nhất 1 vụ vận chuyển  lâm sản trái phép, thu về ngân sách 24 triệu đồng; Con số thống kê về độ che phủ rừng năm 2015 đạt 40,51%  đến năm 2018 mới chỉ nhích lên 40,6%, rõ ràng thể hiện xu hướng tăng nhưng không đáng kể. Khi tìm hiểu sâu hơn mới rõ, không riêng gì huyện Đồng Văn mà các huyện khác nằm trong khu vực Cao nguyên đá cũng đều na ná như nhau về tốc độ tăng độ che phủ rừng.

Lý giải với người viết, ông Phạm Hưng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc cho biết: Do địa hình núi đá chiếm diện tích lớn nên thực vật không thể lớn nhanh như các địa phương có núi đất, kéo theo độ che phủ rừng chậm. Nghành kiểm lâm và chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc cần thiết phải bảo vệ rừng, họ cũng ý thức được việc phá rừng sẽ dẫn đến thiếu nước - vốn là bài toán nan giải mà địa phương này đang gặp phải.

Một ngày tuần rừng của kiểm lâm huyện Quản Bạ.

Báo cáo 6 tháng đầu năm của huyện Mèo Vạc cho thấy, huyện này chỉ phải xử lý 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, phạt hành chính 30 triệu đồng và 34% là con số độ che phủ rừng năm 2018 của vùng đất nổi tiếng với phiên chợ tình được tổ chức mỗi năm 1 lần.

Năm 2018, Hà Giang là địa phương nổi cộm khi bị cơ quan chức năng vạch trần vấn đề ăn chặn tiền khoán bảo vệ rừng của người dân. Do đó, các nghành chức năng đã rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm túc, công khai việc chi trả tiền cho nhân dân.

Với huyện Yên Minh, 6 tháng đầu năm 2019 nghành Kiểm lâm huyện này đã phối hợp chi trả công khai tiền Dịch vụ môi trường rừng cho 18 xã, thị trấn với số tiền đã thanh toán là 7.481.084.128 đồng, đạt 100% kế hoạch được giao. Độ che phủ rừng từ 2015 là 34,9% đến năm 2018 đạt 36,0%.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Ngọc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quản Bạ giãy bày thẳng thắn: “Chuyện người dân vào rừng lấy gỗ về phục vụ nhu cầu thiết yếu như: Làm chuồng trâu, chuồng gà…Là có, muốn họ không lấy nữa thì cần phải làm công tác tuyên truyền theo lộ trình lâu dài, sâu rộng”.

Trong 6 tháng đầu năm, huyện Quản Bạ đã xử lý 5 vụ vi phạm luật bảo vệ lâm sản, phạt 20.250nghìn đồng. Đồng thời, làm tốt công tác chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng, giải ngân 18.297.471.833 đồng chi trả cho nhân dân. Thường xuyên thực hiện công tác quản lý các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, tổ chức họp giao ban các nhóm tuần tra Vọoc tại trạm Kiểm lâm Tùng Vài để thanh toán chế độ, triển khai nhiệm vụ tháng, nắm bắt tình hình diễn biến sinh trưởng của quần thể Vọoc và loài Ngọc Lan.

Ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết: Việc bảo vệ rừng tại địa phương được nghành thực hiện thường xuyên, xuyên suốt. Riêng tại các huyện thuộc công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn việc này lại càng cấp thiết. Thực tế trong thời gian vừa qua đã cho thấy điều đó.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều thương lái trục lợi trên nỗ lực của nông dân

Thời gian gần đây, nhiều nông dân đã tìm tòi, lai tạo ra những giống hoa quả mới với chất lượng cao, lạ miệng. Tuy nhiên, nhiều thương lái đã lợi dụng tâm lý yêu thích của người tiêu dùng để bán hàng nhái trục lợi.

Nguồn: Pháp luật Plus