Ảnh minh họa
Trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2022, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, năm Nhâm Dần 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội cùng với một chiến lược đầu tư cụ thể rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn có thể gặt hái được thành quả trong năm 2022.
Dựa trên triển vọng hồi phục khả quan của kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của SSI có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Năm 2022, các chuyên gia của SSI cho biết, ngành ngân hàng có một số thay đổi đáng chú ý.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hiện đang xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu, bao gồm Thông tư 11/2021 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng, Thông tư 16/2021 nhằm thắt chặt việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giải pháp xử lý nợ xấu cũng được thảo luận do Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng "0 đồng".
Do đó, các chuyên gia của SSI kỳ vọng năm 2022 các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt việc quản lý chất lượng tài sản tại các ngân hàng đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Đơn cử, Thông tư 16/2021 về trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, khiến doanh nghiệp khó gia hạn nợ hơn do các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ có vấn đề. Điều này sẽ làm tăng rủi ro phá sản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số lĩnh vực rủi ro.
Một mốc thời gian quan trọng khác cần theo dõi là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.
Nhóm phân tích của SSI cũng cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể cao hơn mức trung bình thị trường, đạt 21% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 14%, triển vọng nguồn thu từ phí khả quan hơn và chi phí tín dụng được kiểm soát nhờ kinh tế dần hồi phục và bộ đệm rủi ro tín dụng được tăng cường tại các ngân hàng có tiềm lực.
Dự kiến lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ phân hóa trong năm, trong đó đà tăng trưởng sẽ mạnh hơn vào nửa cuối năm. Nhóm phân tích cũng kỳ vọng kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng sẽ hoàn thành trong nửa cuối năm 2022.
Hậu Lộc - TTTĐ