Nóng: Phát hiện suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà có hiện tượng dầu loang đã qua sử dụng

14/10/2019 10:42

Kinhte&Xahoi Khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt loang có mùi khét khó chịu, trong khi đó ở Hà Nội nước có mùi khét.

Theo thông tin người dân xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình phản ánh: Từ tối 8/10, cùng thời điểm người dân Thủ đô xôn xao thông tin nước máy Sông Đà có mùi lạ, khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu.

Khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu.

Do trời mưa, lượng dầu này tràn xuống dòng suối đầu nguồn, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước. Hồ này cũng là nơi cung cấp nước trực tiếp cho nhà máy nước Sông Đà.

Ghi nhận tại hiện trường chiều 13/10, dù trời vừa mưa xong nhưng dòng suối vẫn có vết dầu loang và mùi khét lẹt. Người dân xóm Vật Lại, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn tỏ ra vô cùng bức xúc vì nước suối bị ô nhiễm.

Dòng suối vẫn còn chất bẩn sau trận mưa lớn.

Người dân tại đây cho biết, từ ngày 9/10, Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã thuê khoảng 50 người dân để vớt dầu loang trên bề mặt nước. “Dầu này rất lạ, có mùi khét và không thể giặt sạch. Mỗi lần vớt xong là chúng tôi phải đốt sạch quần áo”, một người dân nói.

Ở một diễn biến khác, tại thủ đô Hà Nội, các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... đã bốn ngày kể từ khi người phản ánh nước sạch sông Đà có mùi hóa chất nồng nặc, khét như mùi nhựa cháy.

Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã lấy tại một số khu vực xảy ra sự cố để phân tích, tuy nhiên phải đến tuần sau mới có kết quả, trong khi người dân vẫn phải sống chung với nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất.

Trao đổi với báo chí, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sẽ kiểm tra xác minh thông tin trên.

Khi cơ quan chức năng chưa có kết quả và trả lời chính thức về hiện tượng trên. Cư dân Linh Đàm đã phải mua nước dùng qua ngày.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ khi nào “con buôn” thành doanh nhân?

Do điều kiện lịch sử quá độ, Việt Nam trải qua một thời kì đặc biệt khó khăn của nền kinh tế bao cấp. Do đó, tính chuyển tiếp giữa các thế hệ doanh nhân và các vấn đề liên quan bị đứt đoạn, bị bỏ quên, thậm chí còn bị “xóa sổ”, bị coi là “con buôn, con phe” suốt một thời gian dài cho tới khi đất nước đổi mới...

Nguồn: Pháp luật Plus