Thực tế cũng cho thấy ở nhiều vùng quê phát triển, mức sống của người dân không thua kém khu vực thành thị.
Một số lúc, một số nơi đã có cả một “làn sóng” người lao động rời thành thị tạm lánh về quê nhà. Nhiều tỉnh, thành đã tổ chức những đoàn xe, những chuyến tàu, thậm chí các chuyến bay để đưa người có nhu cầu về quê.
Sài Gòn dù là nơi ân tình, là nơi cưu mang thay đổi số phận biết bao người ngoại tỉnh nhưng trong tình thế tạm thời, nhiều người vẫn chọn cách tạm xa Sài Gòn để lánh về quê, vì ba lý do chính: Thứ nhất, một số người đã kiệt quệ về tiền bạc, nếu ở lại không còn nguồn mưu sinh; thứ hai, một số người “đứt gánh” công việc, chọn cách về quê hơn là ngồi bó gối ở thành phố; thứ ba, một số người e ngại bị dịch bệnh, điều kiện sống có thể không đảm bảo phòng chống dịch, nên trở về quê…
Trước hiện tượng này, một lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy, phát triển chương trình nông thôn mới, để làm sao nông thôn là nơi đáng sống, nơi tìm đến, nơi quay về. Ông cũng tỏ ra băn khoăn về cái tên của chương trình là “xây dựng nông thôn mới” có thể khiến một số địa phương nghĩ “xây dựng” nghĩa là thiên về hạ tầng, là cầu, đường, trụ sở; trong khi một trong những mục tiêu chính, bản chất của chương trình là nâng cao thu nhập và chất lượng sống của nông dân thông qua sinh kế.
Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ nâng cao thu nhập bằng cách nào, nếu 5 năm trước trồng 1ha lúa, 5 năm sau cũng trồng 1ha lúa thì không thể nào tăng thu nhập lên 1,5 lần. Hay nếu hỗ trợ cho người dân vay tiền để giảm nghèo, sản xuất ra một mặt hàng nào đó mà không kết nối được tới thị trường thì cũng không thể nào nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần.
Theo vị cán bộ ngành Nông nghiệp này, trước hết phải cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trong đó, nâng cao thu nhập bằng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh. “Ngay cả khi có dịch COVID-19, vài nông dân biết lên mạng để bán hàng của mình trong mùa giãn cách cũng đã thay đổi được rồi”, ông dẫn chứng.
Thực tế đã cho thấy ở rất nhiều vùng nông thôn, những mô hình nông dân sản xuất lớn, sản xuất thông minh đã mang đến nhiều hiệu quả, là điển hình cho các nông dân làm theo. Thực tế cũng cho thấy ở nhiều vùng quê phát triển, mức sống của người dân không thua kém, thậm chí còn cao hơn cả vùng thành thị. Nói đến câu chuyện “làn sóng” người lao động trở về quê trong đại dịch COVID-19, không phải để so sánh thành thị hơn hay nông thôn hơn; mà để cho thấy chiến lược nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta là rất đúng đắn, để nông thôn và thành thị không có khoảng cách quá xa, để dù ở phố thị hay làng mạc, đâu đâu cũng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Minh Khang - Pháp luật Plus