Phát biểu tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra sáng 25/9, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh đề nghị được phát biểu dưới vai trò của người lãnh đạo địa phương vì ông mới đảm nhiệm công tác tại Trung ương hơn 2 tháng.
Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu tại hội thảo
Nhiều cán bộ đánh giá ban đầu rất đúng nhưng…
Ông Vinh cho biết, ông được “đặt hàng” viết bài tham luận về mối quan hệ giữa việc nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ với trình độ chức năng và chính trị, ông đã thực hiện yêu cầu, bài viết đã được đưa vào kỷ yếu hội thảo. Tuy nhiên, trao đổi tại hội thảo hôm nay, ông muốn thoát ly văn bản để nói về những vấn đề thực tế trong quá trình công tác nhiều chục năm qua của mình.
Người từng giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất tại Hà Giang cho biết, quá trình thực tiễn công tác, từ khi mới là một Phó Chủ tịch huyện lên Bí thư Tỉnh uỷ, ông không được học nhiều, đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, chỉ có bằng cử nhân chính trị, sau đó tham gia 4 ngày lớp bồi dưỡng uỷ viên Trung ương Đảng. Nhưng thực ra, nên tổ chức để cán bộ sau khi kinh qua kinh nghiệm công tác thực tế rồi tiếp tục được học lý luận chính trị sẽ “thấm” hơn.
Ông Vinh mở đầu như thế khi nói về vấn đề thời sự nhất trog việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay là đổi mới công tác cán bộ để đối mặt với những thách thức lớn hiện nay là tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá, nguy cơ diễn biến hoà bình… Trong việc lựa chọn, bồi dưỡng, quản lý cán bộ thì thực tế từ Đại hội XI, XII tới nay cho thấy công tác nhận xét, đánh giá cán bộ là khó nhất, cần chú trọng nhất để đánh giá sao cho đúng, cho trúng.
Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang lập luận, thời gian qua, công tác quy hoạch, đề bạt, bồi dưỡng, thậm chí là kỷ luật cán bộ… đều đã làm tốt. Công tác quy hoạch cán bộ đã thực hiện ở các cấp, từ cấp xã trở lên, gần đây có cả quy định hướng dẫn việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Quy trình luân chuyển, thử thách cán bộ cũng đã thành nề nếp từ lầu. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ trong cả quá trình dài, thường xuyên vẫn là khâu khó.
“Rất nhiều cán bộ, việc đánh giá ban đầu rất đúng nhưng sau này, việc đó không đảm bảo được tính thường xuyên, liên tục, không nắm được sự biến đổi của mỗi con người. Từ Đại hội Đảng XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề, một cán bộ giữa nghĩ và nói, giữa nói và làm có đồng bộ không. Tôi nghĩ, giữa nghĩ và nói thì khó quản lý nhưng giữa nói và làm thì có thể đánh giá, quản lý được. Vậy nên cần định tính và định lượng đánh giá trong công tác cán bộ để có thể nhận xét được một cán bộ, nhận ra quá trình tự diễn biến, tự chuyển hoá của người đó” – ông Triệu Tài Vinh phát biểu.
Ông trình bày kinh nghiệm đã thực hiện tại Hà Giang. Khi còn lãnh đạo tại địa phương, ông đã tổ chức để với mỗi bản kiểm điểm cá nhân của cán bộ đều phải có sự đánh giá, đối chiếu với hiệu quả thực tế công tác của mỗi người.
Ông Vinh lập luận, khi một cá nhân Đảng viên được xem là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một chi bộ Đảng được xếp là trong sạch, vững mạnh nhưng khu vực quản lý của cán bộ, tập thể đó vẫn mãi là vùng nghèo thì rõ ràng giữa thực tiễn và báo cáo có sự vênh nhau.
Vậy nên tiêu chí đánh giá cán bộ, tập thể với việc thực hiện nhiệm vụ nhất thiết phải gắn với việc tạo ra sự thay đổi thực tế. Mỗi bản kiểm điểm, theo đó vẫn là do cá nhân cán bộ tự nhận nhưng tập thể sẽ xem xét. Đó chính là một điểm mới Hà Giang đã triển khai trong việc đánh giá cán bộ.
Thay đổi này đã mang lại không khí mới tại Hà Giang. Các cuộc họp, từ chỗ mỗi người từ bước vào, bước ra khỏi hội trường vẫn như một tờ giấy trắng, không nói gì, sau đó lại xì xào sau lưng thì mọi người đã thoải mát phát biểu, nhận xét về nhau, phát huy tinh thần dân chủ.
“Chấm điểm” biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá
Kinh nghiệm “định lượng” cán bộ của ông Vinh là áp dụng Nghị quyết TƯ 4 khoá XII về 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá Trung ương Đảng đã chỉ ra. Ông Vinh cho rằng “chấm điểm” vào các biểu hiện đó, nhất định trong mỗi cán bộ đều có ít nhiều. Làm thí điểm, ông để Bí thư các cấp uỷ tự “chấm” cho mình trước. Sau đó, bản “chấm điểm” này cũng được đưa ra tập thể chi bộ xem xét. Kết quả, “không ai không thấy mình trong bản danh sách 27 biểu hiện đó”, chỉ là mức độ khác nhau ra sao.
Hà Giang cũng xây dựng các khung định lượng, nếu mức độ tự diễn biến ở điểm này, điểm kia của cán bộ ở mức 10-20% được tự xây dựng chương trình hành động để khắc phục. Mức “diễn biến” cao hơn thì tập thể sẽ cùng góp ý, theo dõi quá trình khắc phục. Còn mức thứ ba thì nhất định cán bộ đó phải bị xem xét.
Đó là thao tác “chấm mức độ biểu hiện” nhưng việc đó chưa tạo ra được sự thường xuyên đánh giá, theo dõi nên ngoài việc này, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang còn cho tiến hành “chấm mức độ quyết liệt” trong việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm của cán bộ.
“Làm các bước như vậy, chúng tôi đã tạo ra những sự thay đổi rõ rệt. Việc này không phải khó làm nhưng nó rất nhạy cảm, phải quyết tâm vì đánh giá cán bộ luôn là việc khó nhưng không phải không làm được, chỉ có mạnh dạn làm hay không thôi” – ông Vinh quả quyết.
Một hướng đổi mới khác trong công tác cán bộ, theo ông Triệu Tài Vinh là phát huy nhân tố cán bộ lãnh đạo. Với mỗi cán bộ, cần biết lựa chọn điểm kích động, hành vi mũi nhọn để khích lệ thực hiện nhiệm vụ. Người lãnh đạo cũng cần có nhãn quan nhạy cảm với thực tiễn.
“Khi tôi phát biểu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện từng “nóng” Facebook “gia đình làm quan”, rồi vụ gian lận thi cử vừa qua. Cá nhân tôi phải đối mặt với việc đó và vượt qua nó thôi… Nhưng khi tôi nói về việc phải phát huy được yếu tố con người, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần công tác tại địa phương từng nói, Hà Giang cần có thêm nhiều Triệu Tài Vinh nữa. Đó là điểm khiến tôi vững tâm, tự hào” – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang chia sẻ.
Từ niềm tin nội tâm như thế, ông Triệu Tài Vinh thường khuyến khích, yêu cầu phát huy không khí dân chủ trong tập thể thông qua việc bỏ phiếu vì theo ông, nếu không phát huy hiệu quả của lá phiếu mà chỉ giơ tay, hiệp thương thôi thì rất khó phát huy tinh thần dân chủ trong của mỗi cán bộ.