Phân công cơ quan soạn thảo văn bản thi hành các luật, nghị quyết Quốc hội
Kinhte&Xahoi
Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 44 văn bản quy định chi tiết thi hành 9 luật và 2 nghị quyết được quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, ngày 17/6/2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo Danh mục, một số văn bản quan trọng sẽ được các cơ quan soạn thảo và ban hành như: Nghị định quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Thông tư quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài; Nghị định quy định về dự án quan trọng quốc gia; Nghị định quy định thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các nội dung được luật, bộ luật, nghị quyết giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đồng thời, ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật, bộ luật, nghị quyết giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất thêm văn bản để quy định chi tiết các luật, nghị quyết trong quá trình soạn thảo văn bản.
Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ, công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra các dự thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các luật, bộ luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được xác định cụ thể tại Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý các bộ, cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Lê Hải - Pháp luật Plus