Điểm lại 10 điểm sáng của năm 2021, Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những kết quả đạt được là nhờ sự đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát và đồng hành quyết liệt của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, chính quyền địa phương, cùng với sự vào cuộc, đồng lòng chung sức vượt qua khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, còn trông chờ, ỷ lại…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5/1/2022. Ảnh: VGP
Có thể nhận thấy 5 rủi ro chính bên ngoài trong năm 2021- 2022, gồm: Dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, tiếp cận vaccine không đồng đều, dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng.
Kinh tế thế giới, trong đó có các nước lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, sẽ giảm sức cầu thương mại, đầu tư đối với nước ta.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn rất phức tạp, khó lường. Rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. Sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất - đây là vấn đề Việt Nam chúng ta cần hết sức lưu tâm.
"Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức lớn". Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Phải xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.
Với tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2022 với chủ đề: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Thủ tướng nhấn mạnh những quan điểm, định hướng chỉ đạo chung. Thứ nhất, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.
Thứ hai, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, khắc phục tối đa hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, cá thể hóa trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của các cấp. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển hài hòa giữa văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường.
Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, an dân; khôi phục và ổn định thị trường lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thứ sáu, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: Phòng chống dịch phải an toàn, linh hoạt, hiệu quả thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, vaccine là hết sức quan trọng. Muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải thần tốc thực hiện tiến trình vaccine. Khi đã bao phủ được vaccine, có các loại thuốc điều trị được cấp phép, cộng với ý thức người dân, chúng ta sẽ yên tâm mở cửa. Thủ tướng hoan nghênh TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội khi số ca mắc, tăng nặng và đặc biệt là số ca tử vong giảm rất sâu.
Hà Văn - Pháp luật Plus