Tối 11/9, trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội), trong trận đầu bù vòng 22 V-League giữa 2 đội Hà Nội FC và Nam Định xảy ra sự cố nguy hiểm. Một nữ cổ động viên khi đang ngồi theo dõi trận đấu ở khán đài B thì không may bị 1 quả pháo sáng rơi trúng đùi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, phẫu thuật tẩy hóa học do pháo sáng có chứa lưu huỳnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đốt pháo sáng có nguy cơ gây tác động xấu đối với sức khỏe con người. Trong không gian rộng, khói bụi nhanh chóng được phát tán ra ngoài không khí nên mức độ nguy hiểm nhỏ hơn. Đốt pháo trong không gian hẹp như trong nhà, phòng kín, tác hại lớn đối với sức khỏe, nhất là hệ hô hấp.
Tiến sĩ Khuất Quang Sơn, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, nói ngoài vấn đề sức khỏe, đốt pháo sáng gây nhiều hệ lụy như cháy nổ, hỏa hoạn thậm chí tử vong cho chính người đốt pháo cũng như những người xung quanh.
Theo tiến sĩ Sơn, thành phần hóa học của pháo sáng gồm 3 hợp phần là chất oxy hóa mạnh (kali nitrat, kali clorat, kali peclorat...), chất cháy (bột than mịn, lưu huỳnh, parafin nhựa đường...) và chất tạo màu. Ngoài ra còn có phụ gia như canxi carbonat, vaselin, bột shellac màu. Nhiệt độ của pháo sáng từ 1.200 đến 3.000 độ C, dễ gây cháy và bắt cháy, khối lượng tập trung từ 50 gam là có thể gây nổ.
Tại Việt Nam, loại pháo sáng được các cổ động viên sử dụng là pháo sáng chuẩn.
Loại pháo này có nhiệt độ cao nhất đạt khoảng 1.600 độ C và có thể cháy kéo dài trong 60 giây. Bởi vậy, khi đốt pháo sáng ở đám đông chen chúc, người ở gần dễ gặp các tổn thương nặng ở mặt, mắt, ngực, tay, cổ…
Nếu rơi vào ai đó, loại pháo này có thể làm cháy quần áo chỉ trong chớp mắt và gây bỏng cho con người. Trong tình huống này, vết bỏng của nạn nhân rất dễ bị nhiễm độc (do pháo sáng có chứa lưu huỳnh) và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ về sau do nguy cơ hình thành sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là những tác động lan rộng và sâu tới cơ, xương…ảnh hưởng tới khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân.
Ngoài ra, khi cháy pháo sáng còn tỏa ra một lượng khói lớn, độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là những người có tiền sử bị bệnh hen suyễn, hô hấp hay khó thở, khói pháo sáng có thể khiến bệnh tái phát. Thậm chí, nếu hít khói pháo sáng trong thời gian dài sẽ gây ngộ đọc khí , phù nề da, cản trở hô hấp và suy hô hấp nguy hiểm tới tính mạng.
Chính vì vậy, để vừa vui, vừa giữ được sức khỏe, vừa đảm bảo an toàn khi đi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá mình yêu thích, theo các chuyên gia, các cổ động viên nên tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không nên dùng bất kỳ một loại pháo sáng nào để ăn mừng chiến thắng.
Đặc biệt nếu phát hiện hoặc thấy người đốt pháo sáng cần tránh xa với khoảng cách an toàn, tránh lửa bén vào quần áo, gây bỏng hoặc hít phải khí độc.