Kể từ khi mở cửa đón khách tham quan và được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới đến nay, khu di sản Hoàng thành Thăng Long ngày càng hấp dẫn hơn với các sự kiện, hoạt động văn hóa quy mô, đa dạng và hấp dẫn. Đặc biệt, việc tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đã và đang phát huy tính chủ động, tích cực của công chúng và du khách, giúp họ hiểu sâu sắc hơn các giá trị nổi bật toàn cầu tại đây.
Du khách tham quan phòng trưng bày cổ vật ứng dụng công nghệ trình chiếu tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Công nghệ hỗ trợ phát huy giá trị
Là một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có diện tích tới 18 nghìn héc ta, bao gồm trục trung tâm thành cổ và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Đây là nơi lưu dấu tiến trình hình thành, phát triển của cấm thành Thăng Long suốt hơn 1000 năm, còn thể hiện rõ qua hệ thống di sản trên mặt đất, như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn… cùng hàng triệu di tích, di vật khảo cổ độc đáo, phát lộ từ lòng đất.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị, những năm qua, trung tâm đã thực hiện ứng dụng công nghệ đồng bộ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, từ công tác quản lý điều hành đến các nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, quản lý di tích, quản lý tài liệu hiện vật…
“Đặc biệt trong công tác phát huy giá trị di sản, ứng dụng công nghệ đã góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, những sản phẩm dịch vụ công nghệ tiện ích, như: Ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone với 5 ngôn ngữ; màn hình chạm tương tác diễn giải lịch sử Hoàng thành Thăng Long...”, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết.
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cũng được thể hiện rõ nét trong công tác trưng bày triển lãm, thu hút khách tham quan. Trưởng phòng Bảo quản trưng bày, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến nêu, trong thời điểm các hoạt động tham quan trực tiếp bị gián đoạn do dịch Covid-19, trung tâm đã linh hoạt triển khai phương thức trưng bày trực tuyến hay các tour tham quan ảo, đồng thời ứng dụng phần mềm QR code hỗ trợ du khách khai thác thông tin về khu di sản...
Các hoạt động trưng bày, triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long đều được duy trì triển khai bằng hai hình thức: Trực tiếp và trực tuyến, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa di sản với công chúng. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ trình chiếu đã và đang mang đến những không gian trưng bày đầy chân thực, sống động và cuốn hút cho người xem, tiêu biểu như các triển lãm: Báu vật Hoàng cung tái hiện cung điện nhà Lý cùng vẻ đẹp của đồ gốm ngự dụng; Từ mặt đất đến bầu trời với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng diễn giải câu chuyện Hầm T1 trong đêm bão lửa…
Đưa công chúng đến gần với di sản
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản cũng được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chú trọng với việc bố trí các không gian trải nghiệm, khám phá em làm nhà khảo cổ, em tìm hiểu di sản… phục vụ hàng vạn lượt học sinh các cấp học, đồng thời tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện phòng chiếu phim 3D, nơi tái hiện các câu chuyện và nghi lễ hoàng cung xưa để phục vụ khách tham quan và các chương trình giáo dục di sản.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cấp các không gian khám phá, tương tác dành cho học sinh; gắn các hoạt động trải nghiệm của thiếu nhi với các trưng bày, triển lãm định kỳ; hoàn thiện các chuyên đề học tập lịch sử, gắn với chương trình học trên lớp; đổi mới, bổ sung một số nội dung chuyên đề lịch sử, như: Trạng nguyên thành Thăng Long, Điện Kính Thiên trong lịch sử…
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, việc nắm bắt cơ hội và tiếp cận công nghệ để đổi mới hoạt động chuyên môn, tăng cường số hóa di sản, tạo động lực và chuyển biến tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong công tác giáo dục di sản, đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ sẽ tiếp tục được chú trọng, đầu tư.
Nhận định việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích được hỗ trợ rất lớn của các thành tựu phát triển kỹ thuật và công nghệ trong bối cảnh cụ thể của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay,
Thạc sĩ, kiến trúc sư Đặng Cảnh Ngọc (Viện Bảo tồn di tích) cho rằng, khả năng đưa vào thực tiễn hợp lý và sẵn sàng nhất hiện nay tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long là những ứng dụng của giải pháp công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo tăng cường… đáp ứng yêu cầu phục dựng mô hình ảo của di tích. Do vậy, việc nghiên cứu và đề xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ cần được chú trọng và tiếp nhận như các yếu tố, dữ liệu đầu vào cho nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nguyễn Thanh - Hà Nội mới