Phát huy những lợi thế đặc thù của Thủ đô Hà Nội trong công tác đối ngoại

24/05/2022 10:30

Kinhte&Xahoi Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; có cơ chế phát huy những lợi thế đặc thù của Thủ đô Hà Nội trong công tác đối ngoại. Quan tâm việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đây là nội dung tại Thông tri số 05-TT/TU ngày 23-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Thông tri là sự cụ thể hóa văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TƯ ngày 5-1-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác đối ngoại nhân dân theo chủ trương, quan điểm của Đảng, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại và hướng tới đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; làm tốt việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã nghiên cứu, thực hiện thể chế hóa các quan điểm, chỉ đạo của Đảng nhằm nâng cao sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân thành phố phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động, huy động đa dạng các nguồn lực và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô để đổi mới nội dung, phương thức thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường các hoạt động đối ngoại đa phương, giao lưu, trao đổi, mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân nước ngoài, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần là cầu nối gắn kết, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội với địa phương các nước...

 Hà Vũ - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Liệu có những “vụ Việt Á” trong lựa chọn sách giáo khoa?

Tán thành với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề này nên được thực hiện giám sát tối cao.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1032830/phat-huy-nhung-loi-the-dac-thu-cua-thu-do-ha-noi-trong-cong-tac-doi-ngoai