Phát ngôn khó tin của một lãnh đạo Sở GD&ĐT
Kinhte&Xahoi
Người ta rất khó tin khi nghe một ông Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo trả lời báo chí mà dùng từ “bố lếu, bố láo”.
Ông Trần Xuân Yến - một trong 8 bị can vụ gian lận điểm thi ở Sơn La đã bị khởi tố
Thế mà chuyện lại có thật một trăm phần trăm, khi có thông tin ông Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Sơn La gửi gắm 8 trường hợp nhờ nâng điểm trong vụ gian lận thi cử ở tỉnh này hồi năm ngoái, phóng viên của một tờ báo điện thoại hỏi ông về thông tin này, ông đã trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đó”.
Người ta không tin, bởi đây đâu phải là ngôn từ của người quản lý giáo dục, nhà sư phạm, ông thầy đứng đầu đội ngũ các ông thầy ở một tỉnh trong một cuộc trao đổi với báo giới. Lời lẽ này của một ông bố mắng đứa con khó bảo trong gia đình có lẽ hợp lý hơn. Mắng con mà nghe cứ như... mắng bố!
Chúng ta cũng hết sức ngạc nhiên trước một điều mới mẻ mà ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Quốc hội: “Kỷ luật cán bộ dân bầu là rất khó”. Đó là việc ông đề cập đến chức danh Ủy viên HĐND mà thông thường lãnh đạo địa phương nào cũng “sở hữu”. Như vậy, theo ông, phần lớn các cán bộ lãnh đạo địa phương hiện nay là “khó kỷ luật” vì vướng vào Luật HĐND không quy định hình thức này, vô hình trung đã tạo ra “vùng cấm” với những người này?.
Thực ra, điều này vô cùng đơn giản, nếu phải kỷ luật ai đó bởi đã phát hiện ra sai phạm thì chỉ cần một động tác “miễn nhiệm” rồi xử lý theo các quy định hiện hành. Chỉ có thế thôi, có gì mà khó, đến cả như đại biểu Quốc hội vẫn xử lý kỷ luật hoặc hình sự bình thường cơ mà, đâu có “rất khó”. Đúng là không sợ đường xa núi cách, sông ngăn mà chỉ sợ lòng người sông ngăn, núi cách. Nếu không muốn làm cái gì đó có lợi cho dân, cho nước thì họ nghĩ ra đủ các lý do gây khó khăn, trở ngại.
Gần đây, báo chí hoặc mạng xã hội thường tập hợp những “phát ngôn ấn tượng” hay “để đời” và người đọc cảm thấy trong đó có sự ngô nghê của người phát biểu hoặc chủ quan, duy ý chí, thiếu cơ sở và tính thuyết phục, thậm chí có những ngôn từ rất khó nghe.
Thành ngữ có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Dân gian cũng có câu với ý nghĩa tương tự: “Sảy chân thì dễ, sảy miệng thì khó” và luôn luôn nhắc nhở: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, có nghĩa là sự đắn đo, cân nhắc, lựa lời. “Ái ngữ” cũng là một nguyên tắc hành đạo trong “nhiếp sự” của đạo Phật, thiết nghĩ cũng cần áp dụng vào đời sống hàng ngày như một nét văn hóa ứng xử.
Theo Pháp luật Plus