Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội và các Sở, ngành, bệnh viện của thành phố.
Hội nghị được kết nối tới trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Hà Nội chỉ đạo tập trung vào các nội dung như: Củng cố nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, lấy phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu, tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch COVID-19; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm vật tư, đấu thầu; Phát triển y tế cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trung tâm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên.
Đồng thời, thành phố nâng cao chất lượng các trạm y tế; Tập trung triển khai các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó đầu tư y tế cơ sở, trạm y tế, phòng khám đa khoa tại các khu vực, bảo đảm người dân được hưởng tốt nhất các dịch vụ; Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế, đạt sự hài lòng của người bệnh”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Về công tác phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, tiến độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh, các loại dịch bệnh khác tại đang được kiểm soát tốt.
Thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc hay nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng dần nhưng hiện vẫn được kiểm soát.
Điều này cũng phù hợp với dự báo cũng như tình hình dịch chung của cả nước. Thành phố cũng đã chủ động bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Về một số nhiệm vụ phương hướng thời gian tới, đại diện UBND TP Hà Nội tập trung vào các nội dung, cụ thể: Thứ nhất, củng cố nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, lấy phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu, tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch COVID-19. Thứ hai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm vật tư, đấu thầu.
Thứ ba, phát triển y tế cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trung tâm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên; Đồng thời, nâng cao chất lượng các trạm y tế; Tập trung triển khai các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó đầu tư y tế cơ sở, trạm y tế, phòng khám đa khoa tại các khu vực, bảo đảm người dân được hưởng tốt nhất các dịch vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; Tiếp tục triển khai việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh lưu hành; Duy trì thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn nhân viên y tế.
Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" tại điểm cầu UBND TP Hà Nội,
Liên quan đến kiến nghị và đề xuất, trong hai tháng qua, TP Hà Nội đã có 4 văn bản trực tiếp báo cáo Bộ Y tế, cụ thể: Văn bản 2191 ngày 8/7/2022 về công tác đấu thầu thuốc tập trung tại các địa phương; Văn bản 2232 ngày 13/7/2022 về báo cáo khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và ban hành xét nghiệm SARS-CoV-2; Văn bản 2400 ngày 26/7/2022 về thực hiện và thu tiền xét nghiệm COVID-19 khi người dân có nhu cầu xét nghiệm và tự nguyện chi trả chi phí; Văn bản số 2724 ngày 19/8/2022 về khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
"UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho thành phố được nêu rõ trong các văn bản trên", Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng báo cáo tại hội nghị.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bộ Y tế)
Sau khi nghe báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, từ điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Bộ Y tế tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội và sẽ rà soát. Nội dung gì tháo gỡ được ngay thì tháo gỡ; Nội dung nào cần báo cáo Chính phủ, xin ý kiến và phối hợp với các Bộ, ngành… Bộ Y tế sẽ báo cáo và xin ý kiến".
Quyền Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt (như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; Đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế…); Song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; Đổi mới tài chính y tế; Đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở…
Cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Tiêm vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương cần bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành Y tế yên tâm công tác; Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; Xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công”.
Phương Thu - TTTĐ