Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị
Thu ngân sách từ đất bằng 11% thu ngân sách nội địa
Phó Thủ tướng cho rằng ngành TN&MT đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó tập trung nguồn lực sửa đổi Luật Đất đai, Luật Môi trường; chủ động đề xuất các giải pháp, vấn đề liên quan chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, đặc biệt thúc đẩy việc triển khai các quyết sách có tính hệ thống, chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tài nguyên đất đai đã được sử dụng hiệu quả hơn, tình trạng lãng phí đất đai được tập trung chỉ đạo xử lý, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch phù hợp với với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tiến trình đô thị hóa đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách từ đất trong 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt 115,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11% thu ngân sách nội địa. “Đây mới chỉ là thu ngân sách trực tiếp từ đất, còn các nguồn thu từ đất, giá trị thứ cấp từ đất tạo ra rất lớn. Từ đất còn tạo ra các sản phẩm thứ cấp là nông nghiệp, công nghiệp,... vô cùng quan trọng để tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế, cho nâng cao đời sống người dân”, ông Dũng phân tích.
Bộ TN&MT đã thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm để vừa bảo đảm yêu cầu tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường.
“Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta lấy phát triển kinh tế là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ là phải bảo vệ môi trường. Hai vấn đề này không thể tách rời nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng ghi nhận, công tác dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục được nâng cao; dự báo sớm được các xu thế thời tiết phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, Bộ đã chủ động triển khai tổng kết, sơ kết đánh giá các chủ trương, chính sách để tiếp tục hoàn hiện nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
An ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách
Phó Thủ tướng lưu ý, ngành TN&MT còn đứng trước nhiều tồn tại, thách thức. Việc quản lý, sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên ở một số địa phương còn để xảy ra tình trạng lãng phí, hiệu quả chưa cao, nhiều nơi bị suy thoái. Khiếu kiện về đất đai có giảm nhưng còn rất bức xúc, còn nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài, phải qua nhiều cấp xử lý.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng môi trường nước tại một số đoạn trên các lưu vực sông lớn vẫn bị ô nhiễm.
“Chúng ta đang đứng nguy cơ thiếu hụt nhiều nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước”, Phó Thủ tướng nêu. Bên cạnh đó, lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng, trung bình 10 - 16%/năm tỷ được tái sử dụng, tái chế còn thấp; ô nhiễm không khí tại một số đô thị có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm.
Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra các sự cố môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi cho phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra đối với ngành trong năm 2020 và giai đoạn tới.
“Nhiệm vụ của ngành TN&MT là rất nặng nề. Không ngành kinh tế nào không gắn với tài nguyên, môi trường”, ông Dũng đánh giá, từ đó yêu cầu Bộ TN&MT hoàn thiện hệ thống chủ trương; trong đó, trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai, tiếp cận cơ chế thị trường, đổi mới phương pháp định giá đất, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TN&MT cần triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển biển quốc gia gắn với các bộ, ngành liên quan, trong đó tập trung làm rõ vấn đề về đấu giá đất, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, tích tụ, tập trung ruộng đất; kiểm kê quỹ đất toàn quốc; hoàn thành dứt điểm việc rà soát, xử lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai…
Theo Phó Thủ tướng, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, Bộ cần kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới quản trị tài nguyên nước quốc gia; sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông liên tỉnh; nghiên cứu, đề xuất ngay các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước, trước mắt ưu tiên những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn…
Thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải hành động để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ với môi trường. Bởi vậy, Bộ TN&MT cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị và khu dân cư; khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi dần cơ cấu sử dụng năng lượng…