Phòng bệnh khi trẻ đến trường

11/05/2020 15:08

Kinhte&Xahoi Đến thời điểm này, với việc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, các tỉnh, TP đã cho học sinh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ học.

Tuy nhiên để phòng bệnh khi trẻ đến trường, các chuyên gia y tế khuyến cáo, gia đình, nhà trường cần vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, không nhất thiết phải đeo khẩu trang ở lớp học, cho trẻ uống nước đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Cân nhắc vấn đề chống nóng cho học sinh

Liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học để vừa tránh Covid-19, vừa đối phó với thời tiết nắng nóng, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, nhà trường và phụ huynh cần cân nhắc vấn đề phòng chống nóng cho học sinh khi tới trường dù phòng thoáng khí.

 Học sinh THCS Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm thực hiện nghiêm quy định giãn cách, rửa tay, sát khuẩn trước khi tới trường.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, môi trường lớp học không giống môi trường bệnh viện. Hiện nay, cơ bản học sinh đều được kiểm soát, giám sát sức khỏe trước khi đến trường. Phụ huynh học sinh, học sinh phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và chủ động cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có các biểu hiện bệnh hô hấp. “Đối với các lớp học, nếu thời tiết mát mẻ, chúng ta nên mở cửa, để thông gió vào trong phòng học. Điều đó rất tốt cho phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, phải ưu tiên việc phòng bệnh cho học sinh khỏi bị nóng, đảm bảo học tập tốt, nên bật điều hòa trong lớp học”- ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, gia đình và nhà trường cần xem xét, cân nhắc giữa việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phòng chống bệnh do nắng nóng. Không vì áp dụng cứng nhắc một số khuyến cáo phòng chống dịch khiến trẻ có thể mắc các bệnh về nắng nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe. "Trước khi vào giờ học, phòng học phải được mở cửa sổ, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo phòng thông thoáng. Khi học sinh vào học, những địa phương có thời tiết nắng nóng cần bật điều hòa ở mức 26-27 độ C. Khi kết thúc buổi học phải tắt điều hòa, mở hết các cửa để thông gió, cho lớp học thông thoáng và vệ sinh khử khuẩn. Thầy cô tuyệt đối không đóng phòng học kín ngày này qua ngày khác." - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đảm bảo vệ sinh, chế độ dinh dưỡng hợp lý

Trong khi đó, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo, để phòng bệnh khi trẻ đến trường phải bảo đảm môi trường sạch sẽ, giảm bớt vấn đề về tiếp xúc trên bề mặt ở trong phòng, nơi sinh hoạt của các em bé phải được tiệt trùng, lau chùi sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà hoặc những vị trí như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ vết bẩn cũng như vi khuẩn, virus nhằm hạn chế sự lây nhiễm của Covid-19.

 Học sinh THCS Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm rửa tay, sát khuẩn trước khi vào lớp.

PGS.TS Trần Minh Điển, gia đình và nhà trường cũng phải chuẩn bị tốt về vị trí rửa tay, xà phòng, khăn lau dùng 1 lần cho trẻ. Tốt nhất, sau khoảng 2 - 3 giờ, người lớn nên đưa trẻ đi rửa tay dưới vòi nước sạch và xà phòng 1 lần. Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ mầm non, việc đeo khẩu trang cũng khó thực hiện. Nếu quyết định cho trẻ đi học ở thời điểm này, nhà trường và phụ huynh nên xem xét thật kỹ, không nhất thiết cho trẻ đeo khẩu trang trong lớp học. “Trong thời tiết nắng nóng, nếu một số trường không có điều hòa, chúng ta cố gắng sử dụng quạt và mở cửa sổ để không khí trong phòng được sạch sẽ. Nếu có điều hòa vẫn có thể cho trẻ nằm điều hòa nhưng điều quan trọng phải cho trẻ nằm giãn khoảng cách, dù biết, đây là cách khắc phục rất khó do một số trường còn hạn chế về cơ sở vật chất”- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Ông Trần Minh Điển cũng cho rằng, trước khi vào lớp, giáo viên cũng nên hỏi phụ huynh về đặc điểm dịch tễ của trẻ trong thời gian qua. Nếu trẻ có biểu hiện ốm, hắt hơi, sổ mũi, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bệnh để giảm bớt những nguy cơ lây nhiễm không chỉ là Covid-19 mà còn  bệnh lý về cúm hay các bệnh lý khác.

Cũng theo ông Trần Minh Điển, việc cho trẻ ăn bán trú còn phụ thuộc vào điều kiện của từng trường. Tuy nhiên, nếu tổ chức cho trẻ ăn bán trú, nhà trường cũng nên chú đến giãn khoảng cách cho trẻ, phải vệ sinh sạch sẽ, không khí trong các phòng ăn thoáng đãng. Nhà trường phải chuẩn bị đầy đủ những phương tiện vệ sinh cho trẻ, kể cả những vòi nước ở gần các phòng học, nhà trường cũng nên lưu ý.

“Đặc biệt, dù ở trường hay ở nhà, người lớn cũng nên cho trẻ uống nước đầy đủ, ăn uống cẩn thận, vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt. Để có chế độ dinh dưỡng hợp lý ở thời điểm này, nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ nâng sao sức đề kháng, chống lại bệnh tật”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/phong-benh-khi-tre-den-truong-383869.html