Phụ huynh đồng hành đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

24/05/2022 11:07

Kinhte&Xahoi Để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và hơn hết là an toàn thực phẩm cho bếp ăn trong trường học, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn.

Giám sát chặt chẽ bếp ăn 1 chiều

 Mô hình bếp ăn một chiều được thực hiện rất bài bản để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội). Bếp ăn bán trú đưa tiêu chí an toàn sức khỏe học đường cho học sinh lên hàng đầu. Theo đó, từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, tổ chức nấu ăn đến đầu ra là từng suất ăn cho học sinh đều được nhà trường giám sát kĩ càng, cẩn trọng.

Cô Lê Thị Anh Thư - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công A cho biết: Để đảm bảo cho học sinh một bữa ăn bán trú an toàn, đủ dinh dưỡng ở trường không chỉ cần 1 khâu, 1 quy trình mà là sự kết hợp đồng bộ của một hệ thống trong cả quá trình. Từ khâu giao nhận thực phẩm, đến chế biến, giám sát, vệ sinh, rửa bát, lên thực đơn...

Mô hình bếp ăn 1 chiều tại trường Tiểu học Thành Công A

Theo đó, vào 5h30 hàng ngày, đơn vị cung cấp thực phẩm sẽ giao thực phẩm đến trường dưới sự giám sát của ban thanh tra, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban Giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh. Thực phẩm được đưa lên bếp ăn và sơ chế ở một khu riêng, trước khi được đưa vào chế biến tại bếp chính.

"Điều đặc biệt, nhà trường rất chú trọng ở việc lên thực đơn để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Chính vì thế, phụ huynh khi cho con học ở trường vô cùng yên tâm không bao giờ có chuyện con bị còi xương, suy dinh dưỡng hay ăn đói khi đi học", cô Anh Thư chia sẻ.

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Mai Động có 2007 học sinh với 5 khối lớp học. Trong đó có 1.412 học sinh có tham gia ăn bán trú tại trường. Mỗi ngày trẻ được ăn 2 bữa tại trường gồm một bữa chính và một bữa phụ, với thực đơn được thay đổi hàng ngày để bảo đảm sự phong phú và đủ chất dinh dưỡng theo yêu cầu.

Cô Đinh Hồng Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ, nhà trường đã đầu tư vào hệ thống nhà bếp với đầy đủ cơ sở vật chất, hệ thống lưới chắn côn trùng, tủ lạnh lưu mẫu thức ăn, tủ sấy khay, bát, đũa, thìa ăn của học sinh... Quá trình chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình bếp một chiều từ khâu sơ chế, chế biến đến khâu chia thức ăn. Thực phẩm đưa vào nhà trường được ký kết với các đơn vị uy tín, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Thực hiện lưu mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ theo quy định. Trước và sau bữa ăn, học sinh đều thực hiện rửa tay với xà phòng để đảm bảo vệ sinh”.

Nhân viên bếp ăn được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến thức ăn cho học sinh

Bên cạnh đó, việc giao nhận thực phẩm vào mỗi buổi sáng cũng được nhà trường kiểm tra kĩ trước khi đưa vào chế biến cho học sinh trong trường. Quá trình giao nhận thực phẩm luôn đảm bảo đủ quy trình với các thành phần: Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên bếp, thanh tra nhân dân, chủ tịch công đoàn, nhân viên giao nhận thực phẩm và đại diện phụ huynh trong trường để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình giao nhận thực phẩm của các con.

Không chỉ thực phẩm đảm bảo an toàn, đội ngũ nhân viên nhà bếp đã được trang bị đầy đủ đồng phục, găng tay, mũ bảo hộ… để đảm bảo an toàn vệ sinh trong khi chế biến thức ăn. Ngoài ra, toàn bộ nhân viên bếp ăn đều tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và được khám sức khỏe định kỳ.

Đặc biệt, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh cũng như cha mẹ học sinh ở các lớp như: Treo tranh ảnh, áp-phích về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bảng tin, góc tuyên truyền của nhà trường…

Cùng đồng hành, chia sẻ

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề vô cùng cần thiết của xã hội hiện nay. Đặc biệt trong trường mầm non thì công tác đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các nhà trường đặt lên hàng đầu. Đó là khâu quan trọng trong việc chế biến bữa ăn cho trẻ tại trường mầm non.

Tại trường Mầm non Họa Mi (quận Ba Đình, Hà Nội), tỉ lệ học sinh ăn bán trú là 100%. Nhằm đảm bảo an toàn nguồn gốc thực phẩm, nhà trường đã thực hiện ký kết hợp đồng với công ty thực phẩm sạch có uy tín và đầy đủ tư cách pháp nhân.

Trẻ em trường Mầm non Họa Mi (quận Ba Đình) ăn bán trú tại trường

Theo Ban giám hiệu nhà trường, nhận thức được tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã tăng cường công tác vệ sinh hệ thống khu bếp, sắp xếp đồ dùng gọn gàng, khoa học; Trang bị nhiều thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ như: Máy lọc nước, Máy xay thịt, máy xay củ quả, tủ cơm, tủ sấy bát thìa, tủ hấp, tủ lạnh, đồ dùng bát thìa bằng inox…; Trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ làm việc cho nhân viên để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bày tỏ sự yên tâm, tin tưởng khi con được ăn bán trú ở trường, anh Nguyễn Văn Tiến (ở phường Thành Công) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất yên tâm khi một ngày ở trường con được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục rất chu đáo, cẩn thận. Cháu được ăn 2 bữa tại trường, với thực đơn phong phú, đa dạng nhằm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng theo yêu cầu của độ tuổi. Thực phẩm để chế biến các món ăn luôn được thay đổi theo tuần, theo mùa cho phù hợp”.

Không chỉ vậy, theo anh Tiến, để duy trì chất lượng bếp ăn bán trú, vai trò của cha mẹ học sinh vô cùng to lớn khi luôn đồng hành với nhà trường hàng ngày kiểm tra chất lượng, số lượng và nguồn gốc của thực phẩm trước khi đưa vào bếp sơ chế, chế biến các món ăn cho trẻ.

Đồng hành cùng Ban Giám hiệu, phụ huynh học sinh, tại lớp giáo viên đã tiến hành tổ chức bữa ăn cho trẻ theo đúng quy định và đảm bảo vệ sinh như: Cho trẻ rửa tay, lau mặt trước bữa ăn, chuẩn bị đầy đủ, sạch sẽ các đồ dùng trong ăn uống. Giáo viên luôn động viên, khích lệ trẻ ăn hết suất nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe cho trẻ.

Với sự quản lý chặt chẽ của nhà trường, sự đồng hành nhiệt tình của cha mẹ trẻ trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học sẽ giúp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường mầm non ngày một tốt hơn.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nợ xấu vẫn ở mức cao, Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn thí điểm xử lý nợ xấu

Đến ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao là 6,31%. Nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng. Xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm do dịch COVID-19 tác động đến tình hình tài chính của khách hàng.

Phát huy những lợi thế đặc thù của Thủ đô Hà Nội trong công tác đối ngoại

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; có cơ chế phát huy những lợi thế đặc thù của Thủ đô Hà Nội trong công tác đối ngoại. Quan tâm việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phu-huynh-dong-hanh-dam-bao-an-toan-thuc-pham-bep-an-truong-hoc-197131.html