“Quản” livestream bán hàng sao cho hợp lý?
Kinhte&Xahoi
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Một nội dung đang rất được quan tâm là quy định về dịch vụ phát sóng trực tuyến trên mạng xã hội (livestream) của tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh qua mạng.
Ảnh minh họa.
Siết chặt hoạt động livestream
Hoạt động video phát trực tuyến đã mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều người mua, bán hàng qua mạng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, việc livestream cũng dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; khiêu dâm; truyền bá tin giả…, thậm chí livestream “bóc phốt” xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức.
Riêng việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái thông qua livestream mang lại lợi nhuận rất lớn nên nhiều đối tượng đã tận dụng triệt để hình thức này. Cuối tháng 6/2021, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã thực hiện cuộc kiểm tra quy mô lớn vào 8 kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ 40 tấn hàng với hàng trăm ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh chủ yếu thông qua livestream...
Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng trên, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72 đề xuất chỉ các mạng xã hội (MXH) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp giấy phép cung cấp dịch vụ MXH mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Đồng thời, chỉ các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT mới được các MXH nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức MXH cho phép phát livestream.
Cũng theo dự thảo, dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên MXH trong nước hoặc MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.
Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên MXH có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo.
Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm với video livestream cũng đặt ra cao hơn các nội dung vi phạm khác. Với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ; thì với livestream vi phạm pháp luật, việc ngăn chặn, gỡ bỏ phải được thực hiện chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.
Cần thiết để có môi trường mạng lành mạnh
TS.LS Lê Ngọc Khánh (Cty Luật TNHH TGS - Đoàn LS TP Hà Nội) đánh giá, các đề xuất quy định liên quan đến dịch vụ livestream là cần thiết, góp phần loại bỏ tin giả, nâng cao quản lý với những vi phạm pháp luật về an ninh mạng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Về ý kiến cho rằng việc bổ sung giấy phép, thông báo hoạt động của các nhà mạng cung cấp dịch vụ làm phát sinh thêm “giấy phép con” cho doanh nghiệp và có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thương mại điện tử ở nước ta, theo quan điểm cá nhân của LS Khánh, thủ tục thông báo không phức tạp nên sẽ không trở thành rào cản đối với các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các chủ thể, cá nhân.
LS Khánh phân tích, muốn phát triển thương mại điện tử, chắc chắn phải có một khung pháp lý để quản lý. Các quy định mới liên quan dịch vụ livestream sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh online lành mạnh, tránh nhiều hậu quả phải giải quyết sau này như việc tràn lan hàng hóa kém chất lượng, độc hại. Đồng thời, việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường, giúp tăng uy tín của thị trường bán hàng online, mở ra sự phát triển mạnh mẽ mà không bị hỗn tạp của thị trường này trong thời gian tới.
Còn với tình trạng livestream bán hàng tự phát và tràn lan trên MXH, không qua kiểm duyệt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, LS Khánh cho rằng, cần có những quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức độ vi phạm và chế tài áp dụng với các vi phạm để cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh đều nắm bắt được.
“Việc livestream bán hàng tự phát và tràn lan trên MXH, không qua kiểm duyệt chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái chứ không phải là nguyên nhân duy nhất. Chúng ta đã có khá nhiều quy định pháp luật về lĩnh vực này. Quan trọng là việc thực thi các quy định pháp luật đó như thế nào”, LS Khánh nói và đề xuất vẫn cần thiết phải có thêm những chế tài mạnh tay hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
C. Thành - Pháp luật Plus