Đất hoa màu ven sông thuộc địa bàn xã An Đạo, huyện Phù Ninh bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát của Cty Gia Thịnh Phú Thọ
Cát tặc cướp đất, cướp cả mạng người
Tỉnh Phú Thọ đã và đang cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp với danh nghĩa nạo vét, khơi thông luồng lạch, khai thác cát sỏi. Để rồi, nhiều doanh nghiệp “lập lờ đánh lận con đen” tìm đủ mọi cách “móc ruột” dòng sông. Đất đai hoa màu bị sạt lở, bà con nông dân bức xúc, nhiều cuộc chiến trên bờ - dưới sông dai dẳng.
Mua nhượng đất canh tác để khai thác cát sỏi
Dọc theo đê Việt Trì, chúng tôi đặt chân tới xã An Đạo (huyện Phù Ninh) lúc trời đã xế chiều. Trước mắt là những mỏm đất phù sa bao năm bồi đắp bị sạt lở, sâu hoắm. Nhiều vết nứt toác to dần, cao từ 5-6m, dài hàng trăm mét, lan sâu vào phía bờ đê. Dưới sông, cả chục chiếc tàu gầu, tàu cẩu đang thi nhau múc lấy, múc để nguồn cát vàng màu mỡ. Tiếng máy múc, máy cẩu gầm rú, sục sạo. Những tảng đất lớn phù sa đổ ụp xuống sông đục ngầu, xen lẫn váng dầu lênh láng. Phía trên đê, những ruộng ngô xanh mướt dường như cũng đang nghiêng mình muốn chạy vào trong đê thoát lũ vì không biết có tồn tại đến ngày đơm bông, kết trái?
Ngược lên khu 8 đến khu 10 của xã An Đạo, nơi có bãi bồi non, nhiều diện tích đất trồng hoa màu của người dân cũng bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát quá mức. Bức xúc trước tình trạng này, ông Hoàng Hồng Thái (SN 1960, trú tại khu 11) cùng khoảng 15 người dân ở xã An Đạo đâm đơn kêu cứu gửi lên các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh, thậm chí lên cả trung ương. Thế nhưng, đơn chuyển đi mà chẳng thấy hồi âm.
Theo ông Thái, xảy ra hiện tượng sạt lở là do các doanh nghiệp (DN) như Cty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam, Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ mới được cấp phép khai thác cát sỏi trở lại trên địa bàn huyện Phù Ninh.
Dẫn chúng tôi ra thực địa tại khu 9, xã An Đạo, ông Thái cho biết: “Con đê hiện tại tôi đứng đây là con đê thứ 3 sau 3 lần phải dịch chuyển do đất đai bị sạt lở xuống sông. Đê thứ nhất cách đây hơn 100m, nay chìm sâu dưới lòng sông. Cả một cái làng có tên Tây Sơn ở bãi bồi non dưới kia đã biến mất trước sự tàn phá khốc liệt của tàu cát”.
Theo phản ánh của ông Thái cùng các hộ dân, năm 2003, khu đất bãi bồi non trước đây xã An Đạo cho bà con đấu thầu làm 1 vụ ngô đông xuân, sau lên thành 2 vụ/năm. Đến năm 2018, xã An Đạo cho bà Lê Thị Ý (khu 3) đấu thầu khoảng hơn 33.000m2 đất bãi bồi non để chuyển đổi từ trồng hoa màu sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao.
“Thế nhưng, người dân chờ mãi không thấy có cây khác nào được trồng lên. Bất ngờ, từ 2019 đến nay, diện tích bãi bồi non này đã và đang trở thành khu mỏ khai thác cát sỏi, hiện chỉ còn 1/3 diện tích so với bãi cũ. Doanh nghiệp khai thác thậm chí không cắm biển cảnh báo nguy hiểm, lập hàng rào bảo vệ. Do đó, ngày 29/11/2019 tại đây đã xảy ra sự cố đáng tiếc khiến hai thanh niên Vũ Tiến Việt (SN 1990, trú tại khu 6) và Hoàng Ngọc Thắng (SN 1991, trú tại khu 10) ngồi câu cá bị đất sạt lở, cuốn trôi, tử vong 3 ngày mới tìm thấy”, ông Thái cho hay.
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Ngày 7/3 vừa qua, tròn 100 ngày mất của hai thanh niên xấu số trên. Nước mắt ngắn dài, bà Trần Thị Thu (SN 1965, trú tại khu 10, mẹ của nạn nhân Việt) cho biết, đến nay bà vẫn không thể tin nổi con trai mình đã vĩnh viễn ra đi. “Bố Việt mất sớm nên cháu phải bươn chải mưu sinh từ nhỏ. Sau nhiều năm tích góp, cháu mới mở được xưởng làm nhôm kính cạnh nhà rồi rủ Thắng về làm cùng. Lập gia đình được 3 năm, vợ chồng Việt mới sinh được một bé gái. Lúc con chưa được 5 tháng thì tai họa ập đến, cướp đi sinh mạng cả Việt và Thắng”, bà Thu đau xót.
Nạn nhân Việt mất đi, để lại mẹ già, vợ trẻ và con thơ côi cút. Theo bà Thu, lúc Việt mất, gia đình đang xây dở ngôi nhà, đến nay mới có thể hoàn thiện. Cả nhà chỉ có mình Việt chủ lực kinh tế nên nay cả bà và con dâu càng thêm khốn khổ. “Lúc tang gia, chúng tôi có đề nghị phía công ty khai thác cát hỗ trợ phần nào kinh phí cho vợ Việt vì đang phải nuôi con còn quá nhỏ, không có việc làm ổn định. Họ có gật đầu nhưng sau đó mất hút luôn”, bà Thu buồn bã.
Phía gia đình nạn nhân Hoàng Ngọc Thắng hoàn cảnh càng bi đát hơn khi bố mẹ chỉ có mình Thắng là con trai. Cả gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, Thắng đi làm thợ nhôm kính được thời gian ngắn thì mất, chưa vợ con gì. Nhìn lên di ảnh của con, mẹ Thắng lại nghẹn ngào không nói nên lời.
“Con tôi nó biết bơi, nhưng khi sạt lở xuống nước nó không bơi vào bờ luôn mà tìm cách cứu bạn. Dìu được bạn vào gần đến bờ thì tảng đất hàng tấn lở xuống đè lên 2 đứa. Khổ thân khi thợ lặn và lực lượng chức năng tìm kiếm 2 ngày không có kết quả. Sau đó, máy móc Cty Gia Thịnh múc cát tìm thấy xác nhưng không còn nguyên vẹn”, ông Khi, bố Thắng nghẹn ngào kể.
Dù thuê lực lượng thợ lặn, thợ câu không hiệu quả nhưng gia đình ông Khi vẫn mất số tiền hơn 50 triệu đồng. Với hoàn cảnh gia đình khốn khó, số tiền trên là vượt quá khả năng. Điều đáng nói, phía công ty khai thác cát sau đó cũng chỉ hỗ trợ hai gia đình có người tử nạn mỗi người 35 triệu đồng.
Theo ông Hoàng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã An Đạo, vụ tai nạn xảy ra trong phạm vi khu vực mỏ cát, sỏi đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Cty TNHH xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ khai thác từ tháng 1/2019. Sau sự việc đau lòng trên, tỉnh đã yêu cầu công ty phải cắm đầy đủ phao tiêu, biển báo khu vực nguy hiểm, khai thác đúng chỉ giới, ranh giới mỏ, phát hiện và báo cáo kịp thời các hiện tượng nứt, sạt lở bờ sông.
Về vấn nạn cát tặc, Chủ tịch xã An Đạo cho biết, thẩm quyền giải quyết thuộc cấp huyện, tỉnh, còn xã chỉ phối hợp giám sát. “Cát tặc thường có vây cánh, chim lợn theo dõi mọi di chuyển biến động của công an xã. Do đó, rất khó để bắt quả tang các đối tượng trộm cát. Chưa kể, tàu trộm cát thường thả neo hai bên, chỉ cần có động tĩnh phía xã An Đạo là chúng thả neo bên này, kéo về bên kia. Chờ lực lượng chức năng trên huyện cùng máy đo đạc về tới nơi thì chúng đã mất hút”, ông Hồng cho hay.
Ông Hoàng Hồng Thái chỉ vị trí sạt lở cướp đi sinh mạng của 2 thanh niên xã An Đạo cuối năm 2019
Để bắt quả tang cát tặc, theo trưởng công an xã An Đạo Ngô Anh Tuấn, lực lượng công an từng phải đóng giả người đi câu cá, thuê lái đò chèo từ bên bờ Vĩnh Phúc sang, theo dõi 2-3 ngày liền mới đánh úp được. Lần đó là vào 22h, đêm đen, sông tối mịt. Tuy nhiên, từ sau vụ bắt quả tang này, các lái đò bị đe dọa, không còn dám chở công an đi trinh thám.
Riêng trong năm 2019, ông Tuấn cho biết, công an xã phối hợp với công an tỉnh bắt quả tang, xử lý 3 vụ khai thác cát trái phép tại khu 8, cạnh khu vực mỏ Cty TNHH xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ được cấp phép.
“Tàu cát tặc thường không biển số, bám sát vị trí mỏ của doanh nghiệp được cấp phép, khi bị bắt không khai báo của công ty nào. Do đó, vấn nạn cát tặc vẫn rất nhức nhối. Đó là chưa kể, đầu tháng 3 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ lại cấp phép cho một công ty mới nhảy vào thăm dò khoáng sản”, ông Hồng lo ngại.
“Cát tặc thường có vây cánh, chim lợn theo dõi mọi di chuyển biến động của công an xã. Do đó, rất khó để bắt quả tang các đối tượng trộm cát. Chưa kể, tàu trộm cát thường thả neo hai bên, chỉ cần có động tĩnh phía xã An Đạo là chúng thả neo bên này, kéo về bên kia. Chờ lực lượng chức năng trên huyện cùng máy đo đạc về tới nơi thì chúng đã mất hút”.
Ông Hoàng Mạnh Hồng
|