Quảng Nam: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhà máy Sô đa bị tạm dừng hoạt động
Kinhte&Xahoi
Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất Sô đa công suất 200.000 tấn/năm của Công ty Sô đa Chu Lai được Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam cấp chứng nhận đầu tư năm 2009.
Từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2016, dự án vận hành thử nghiệm thì gặp vấn đề môi trường, gây bức xúc cho nhân dân địa phương.
Tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay các vi phạm môi trường. Tuy nhiên từ đó đến nay, nhà máy không thể hoạt động. Điều đáng nói là nhiều nguyên liệu nằm phơi mưa nắng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Đại diện Công ty Sô Đa Chu Lai cho biết, đây là nhà máy sản xuất Sô đa duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này.
Toàn cảnh nhà máy.
Chỉ tính riêng các khoản tín dụng mà Sô đa Chu Lai đã vay của các ngân hàng cộng với vốn đầu tư của nhà đầu tư mới thì tổng mức đầu tư của dự án này đã lên đến 3.200 tỷ đồng. Gần 10 năm nhà máy dừng hoạt động kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi trường, chưa kể đến sự lãng phí nguồn lực.
Đặc thù là nhà máy hoá chất nên nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của nhà máy Sô đa Chu Lai tiềm ẩn các yếu tố nguy hại với môi trường.
Đơn cử như bãi nguyên liệu trong khuôn viên nhà máy được cho là than - nhưng chỉ cần chạm tay nhẹ thôi thì bụi đã phát tán dễ dàng.
Theo đơn vị kiểm nghiệm độc lập là Vinacontrol Dung Quất, trong thành phần than này có chứa hơn 25% là cao su dạng bột, gần 1% là lưu huỳnh và một số chất chưa xác định khác.
Điều đáng nói đây là một phần tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng vay hơn 200 tỷ đồng để bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng và là tài sản đã bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam kê biên, vậy nhưng nguyên liệu này hiện vẫn để ngoài trời, mặc cho mưa nắng.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch, phụ trách điều hành UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Nhà máy Sô đa Chu Lai khởi công đã lâu.
Đây là nhà máy được tỉnh Quảng Nam kỳ vọng sản xuất nguyên liệu hoá chất đầu vào cho nhiều ngành quan trọng không những cho tỉnh mà cho cả Việt Nam.
Nhưng rất không may là hiện nay nhà máy không hoạt động được vì vướng nhiều thứ. Hiện nay cơ quan chức năng cũng đang vào xử lý.
“Chúng tôi mong muốn nhà máy sớm vào hoạt động. Đầu tiên là đem lại sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành không những ở Việt Nam mà còn ở một số nước Đông Nam Á khác, đem lại nguồn thu cho tỉnh. Việc thứ 2 là nhà máy vào thì giải quyết ít nhất việc làm cho nhiều nhân công, ổn định đời sống bà con quanh vùng.
Bãi vật liệu phơi mưa, phơi nắng nguy cơ gây ô nhiễm.
Cái thứ 3 tôi nghĩ là khi nhà máy dừng lâu quá rồi thì đây là thông tin không tốt cho địa phương cũng như nhiều hệ lụy sau này mà chúng tôi không thể đo đếm được” - ông Bửu chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng: Đã là một nhà máy không hoạt động thì bản thân nó đã ảnh hưởng đến môi trường rồi và đây không phải là môi trường đơn thuần mà kể cả là “môi trường đầu tư” của tỉnh.
Mới đây nhất, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Tân Tiến - đơn vị là nhà đầu tư và hợp tác để vận hành nhà máy đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam về việc xin tiếp tục vận hành để duy trì thiết bị, tránh việc nhà máy thành “đống sắt vụn” do bị oxy hoá, cũng như hạn chế các nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Phía doanh nghiệp cũng kiến nghị, nếu không được chấp thuận, đơn vị này đề nghị giao nhà máy cho cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam xử lý, do việc duy trì hệ thống dây chuyền, bảo vệ an ninh gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng cho doanh nghiệp.
Nhóm PV - Pháp luật Plus