Thời gian gần đây, tại Quảng Ninh ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh “trá hình” dưới dạng quán bar, pub, lounge, câu lạc bộ, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh… nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường với sức chứa lên đến hàng trăm người.
Do không thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nên việc cấp phép hoạt động của loại hình này không phải chấp hành các quy định đảm bảo về an ninh trật tự theo Nghị định số 96/2016/CP và các quy định về mở vũ trường theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP.
Tình trạng buôn bán sử dụng bóng cười ngày càng nở rộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quang.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng chục vụ với nhiều đối tượng kinh doanh bóng cười, shisha, thuốc lá điện tử... trái phép, thu giữ hàng nghìn bình khí N2O.
Qua đấu tranh khai thác, nhiều chủ cơ sở kinh doanh đều thừa nhận việc kinh doanh này phục vụ buôn bán bóng cười.
Rõ ràng việc những cơ sở kinh doanh khi N2O này đang tồn tại cho thấy sự xem thường pháp luật để bất chấp kiếm lời hay pháp luật còn quá nhẹ tay nên tình trạng nhờn luật đang tồn tại.
Anh N.T.S chủ một bar kinh doanh khí cười trái phép cho biết: “Bình to 27kg nhập về có giá từ 150 nghìn đồng đến 170 nghìn đồng/bình, nếu lấy với số lượng ít thì khoảng từ 200 nghìn đồng đến 210 nghìn đồng/bình.
Khi bơm vào bóng để bán cho khách thì tùy số lượng mà giá dao động trong khoảng 150 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/quả. 1kg sẽ bơm được 9 đến 10 quả bóng”.
Với số liệu này, nhập bình khí cười về bơm vào bóng để bán, các chủ cơ sở này có thể thu lãi gấp tới 40 lần. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí chấp nhận việc bị xử phạt hành chính để kinh doanh khí N2O.
Trong khi đó, em N.T.M hiện đang là học sinh lớp 12 tại một trường trung học phổ thông ở thành phố Cẩm Phả cho biết: "Sau một lần đi sinh nhật bạn, được rủ rê, mời chào, M đã sử dụng “bóng cười” để thử cảm giác mới lạ.
Từ cảm giác thích thú, thỏa mãn khi sử dụng lần đầu, M tiếp tục sử dụng nhiều lần khác. Sau đó, em tự liên lạc để đặt mua bình “khí cười” sử dụng. M cho biết thêm sau khi dùng quen đến khi không sử dụng cái bóng cười đấy thì trong người thấy rất bứt rứt, nhớ cái cảm giác “phê” đấy”.
Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về sản xuất khí N2O, bản thân khí N2O cũng không được quy định vào danh mục chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2028, mà chỉ quy định là hóa chất công nghiệp hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và trong lĩnh vực y tế, nên nhiều đối tượng đang lợi dụng kẻ hở này để kinh doanh khí cười trái phép.
Bên cạnh đó hành lang pháp lý cũng mới dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở tổ chức kinh doanh không đủ điều kiện của giấy phép.
Việc cấp phép hoạt động của các loại hình kinh doanh quán bar, câu lạc bộ nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh… chưa có quy định cụ thể và cấp phép hoạt động còn thiếu điều kiện đảm bảo về an ninh trật tự trong khi đây là loại hình kinh doanh thường có nhiều vi phạm và tiềm ẩn mất an ninh trật tự.
Để việc xử phạt được nghiêm minh, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, cần thiết phải bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về an ninh trật tự.
Ngoài ra, hiện khí N2O vẫn chưa được xếp vào danh mục hoá chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng, do vậy đề nghị chỉnh sửa Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để bổ sung N2O vào danh mục chất cấm.
Đồng thời, bổ sung quy định cấm người sử dụng khí N2O, trừ trường hợp sử dụng theo chỉ định của bác sỹ, cơ quan y tế hoặc sử dụng đúng mục đích đã được cấp giấy phép kinh doanh nhằm kiểm soát phần "cầu" để hạn chế phần "cung".
Bên cạnh đó, bổ sung quy định, chế tại xử lý đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh khí N2O nhưng sử dụng sai mục đích và trao đổi mua bán đối với các tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh khí N2O.
Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất que test nhanh về "bóng cười" để làm căn cứ phát hiện người sử dụng bóng cười.
Ngoài ra nên bổ sung quy định thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần (quá 3 lần) hoặc không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Lợi nhuận cao, mức xử phạt còn quá nhẹ đây là một trong những lý do mà nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp việc vi phạm bỏ qua sự an toàn của xã hội để kiếm lời.
Với những tác hại trên rõ ràng mức độ nguy hiểm của bóng cười đối với sức khỏe, tính mạng của giới trẻ.
Thế nhưng không có cầu khó mà có cung. Việc không cấm người sử dụng bóng cười xuất phát từ quyền tự do kinh doanh và việc không cấm các cá nhân sử dụng bóng cười là một lôc hổng lớn của phát luật.
Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Về chế tài xử phạt thì tùy vào địa bàn thì các cơ quan chức năng đều có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về việc mua bán, sử dụng khí cười và bóng cười.
Thời gian gần đây chúng tôi cũng đã xử lý một số trường hợp sử dụng, kinh doanh khí cười, bóng cười trái phép nhưng cũng chỉ xử phạt theo chế tài pháp luật đưa ra chứ không thể phạt nặng hơn được.
Hiện tỉnh Quảng Ninh cũng đã có một kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán sử dụng, khí cười “bóng cười” tại các điểm vui chơi, giả trí trên toàn tỉnh đến hết tháng 7 gồm các đơn vị như: Công an, Hải quan, QLTT, các huyện, thị xã và Thành Phố”.
Trong khi đó chia sẽ với PV Pháp luật Việt Nam, Bác sỹ Vũ Việt Hùng, nguyên Phó Trưởng khoa rối loạn nghiện chất Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh cho biết: "Bóng cười là một trong những dạng khí hoa học, nó có tác dụng vào vỏ não gây ảo giác và một điều khó khắn nhất là hiện nay khí bóng cười không được liệt vào dạng ma túy nên chính vì vậy nó khó xử lý cho cơ quan pháp luật cũng như tính răn đe đối với người sử dụng.
Đặc biệt là lớp trẻ còn hạn chế về nhận thức pháp luật và nhận thức về tác hại của bóng cười. Ngoài ra công tác quản lý vẫn còn buông lỏng, chính vì thế mà bóng cười xâm nhập vào các giới trẻ rất nhiều, trong đó có cả người trưởng thành.
Hệ lụy của bóng cười nó có một tác động tất xấu đến sức khỏe của người sử dụng, đặc biệt là hủy hoại lớp trẻ, gây biến đổi về các thành phần tế bào của tủy sống và gây thiếu hụt một vitamin rất quan trọng đó là viatamin B12 gây nên hiện tượng nhiệt.
Chính vì cơ chế gây thiếu vitamin B12 do tác động của bóng cười làm cho rối loạn các hoạt động chức năng tổng hợp gây cho công tác điều trị rất khó khăn và hệ lụy để lại khó được phục hồi.
Nếu người bệnh được phát hiện sớm còn có thể phục hồi điều trị được còn nếu phát hiện muộn sẽ trở thành một người sống tàn phế".
Để để ngăn chặn triệt để vấn nạn kinh doanh sử dụng trái phép bóng cười. chỉ sự vào cuộc truy quét của cơ quan Công an sẽ là không đủ nếu chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm như hiện nay.
Đã đến lúc cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh. Tránh việc thú vui không lành mạnh này tàn phá giới trẻ, càng đáng sự nếu nó ngày càng phổ biến và bị xem nhẹ, đây là vấn đề không thể chậm trễ.
Nguyễn Quang - Pháp luật Plus