Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Kinhte&Xahoi
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43) cơ bản hoàn thành. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện Nghị quyết số 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 đã được tiến hành hết sức khẩn trương trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ…
Kết quả kinh tế, xã hội đạt được trong 2 năm 2022-2023 tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra cho giai đoạn 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo tại phiên họp.
Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết.
Điển hình là tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sáchhỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác…
Hoàng Nam - Pháp luật Plus