Kiến trúc “lạ” trong CCN Minh Khai
Theo quy hoạch ban đầu, CCN làng nghề Minh Khai (giai đoạn 1) có diện tích 10ha do UBND huyện Văn Lâm làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2006. Với tính chất theo quy hoạch là CCN tập trung vừa và nhỏ, tổng hợp các ngành công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm độc hại tới môi trường như sản xuất cơ khí, tiểu thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng và tái chế nhựa, cho tới năm 2008 sau khi hoàn thành hạ tầng đã di dời được 143 cơ sở ra khu sản xuất tập trung.
Từ đó, làng Khoai dần chuyển mình thành một trung tâm sản xuất bao bì nhựa sôi động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Cả làng có 1.000 hộ thì khoảng 80% làm nghề tái chế nilon, nhựa. Rác thải nhựa được thu gom từ các nơi đều được thu mua, tập kết tại đây dẫn đến dần trở nên quá tải, vì vậy CCN Minh Khai mở rộng (giai đoạn 2) có diện tích 17,25ha , do Chi nhánh Hưng Yên - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt.
Các khu, CCN thường có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế và xã hội của địa phương, việc xây dựng trong khu công nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về quy hoạch, bảo vệ môi trường và an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng CCN và làng nghề Minh Khai cả giai đoạn 1 và 2 dường như “không ăn nhập” gì với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt tại Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 6/6/2013 của UBND tỉnh Hưng Yên.
Theo quyết định này, cơ cấu sử dụng đất được phân bổ rất cụ thể cho tổng diện tích hơn 17 hecta. Theo đó, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và phân khu chức năng cụm công nghiệp được thống nhất cho cả CCN hiện có và khu vực mở rộng, tạo thành CCN hoàn chỉnh về cơ cấu. Tỷ lệ đất xây dựng nhà xưởng chỉ được 55,5% diện tích đất được giao, còn lại là đất giao thông, đất cây xanh, thương mại dịch vụ.
Cũng theo quyết định, các lô đất xây dựng nhà xưởng bố trí dọc theo các tuyến đường nội bộ của CCN. Các nhà xưởng, xí nghiệp được quản lý theo một tổng thể hài hòa về mầu sắc và hình thức kiến trúc, đảm bảo mỹ quan cho CCN...
Các khu cây xanh cách ly được bố trí xung quanh bên trong tường rào bảo vệ CCN, tạo nên vành đai xanh cách ly CCN với các khu dân cư hiện có, tránh gây ô nhiễm môi trường cho toàn khu vực...
Giai đoạn 2 của CCN Minh Khai được khởi công từ năm 2016 và hoàn thành cuối năm 2018. Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng, đã có 313 hộ gia đình thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, đi vào hoạt động. Những tưởng qua 2 giai đoạn đầu tư và mở rộng CCN Minh Khai thì cuộc sống của người dân xung quanh sẽ thoát cảnh ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập và tồn tại gây bức xúc cho người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên tại CCN Minh Khai, mặc dù đất được cho thuê có thời hạn (50 năm) để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, tuy nhiên lại xuất hiện nhiều công trình với kiến trúc “lạ” mọc lên, không ăn nhập gì với tính chất của một CCN.
Tại khu vực giai đoạn 1 của CCN, các trụ sở công ty lớn được xây dựng kiên cố, có thiết kế như những biệt thự với đủ phong cách kiến trúc từ Á sang Âu. Vỉa hè, lòng đường được tận dụng làm chỗ tập kết hàng hóa thành phẩm và cả phế liệu mới thu mua. Thậm chí, nhiều khu đất, chủ sở hữu còn biến nhà xưởng thành nơi mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ spa, làm đẹp hay quán cà phê. Ngoài các công trình được xây dựng theo kiểu dáng biệt thự, các công trình còn lại ở đây được xây dựng theo kiểu nhà phố liền kề, mọc san sát nhau, nhìn như một khu đô thị thu nhỏ.
“Ở đây ai thích xây thế nào thì cứ làm thôi, xung quanh tất cả đều làm vậy thì mình làm theo”, anh N.H - chủ sở hữu một công trình tại CCN Minh Khai chia sẻ. Câu nói này mô tả đúng thực trạng và diện mạo “lôm côm” tại đây.
Có một điểm chung dễ thấy tại CCN Minh Khai và làng Khoai, đó là cứ chỗ đất nào còn trống là được tận dụng làm bãi tập kết rác thải nhựa. Thậm chí những thửa ruộng cũng không còn được dùng cho mục đích canh tác mà trở thành bãi rác thải...
Đến tháng 1/2019, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục ra quyết định số 55/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN Minh Khai. Tiếp đó, tháng 9/2023 UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định số 1889/QĐ-UBND về việc Điều chỉnh quy hoạch CCN Minh Khai, giao cho Công ty CP Phát triển hạ tầng CCN Minh Khai làm chủ đầu tư, mở rộng diện tích CCN Minh Khai lên 52,3 hecta, với tổng mức đầu tư là 492 tỷ đồng đang tiến hành xây dựng hoàn thiện hạ tầng.
Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt, kỷ luật
Tháng 5/2019, UBND huyện Văn Lâm đã chỉ đạo và phối hợp với UBND Thị trấn Như Quỳnh tiến hành giải giải tỏa, cưỡng chế 55 trường hợp, diện tích 17.656,6 m2 xây dựng nhà xưởng, nhà kho chứa và tái chế phế liệu nhựa vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang thủy lợi, hành lang an toàn lưới điện.
Thậm chí, vào năm 2019, Huyện ủy - UBND huyện Văn Lâm đã có các Quyết định kỷ luật đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, cán bộ chuyên môn có liên quan đến vi phạm pháp luật về quản lý đất đai tại thôn Minh Khai.
Được biết, Tổng cục Môi trường (nay là Cục Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với Chi nhánh Hưng Yên - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng và đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-XPVPHC ngày 20/1/2020 xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này, mức phạt tiền 250 triệu đồng và buộc công ty phải xây dựng hệ thống thu gom nước mưa và nước thải riêng biệt tại khu vực giáp ranh giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (mở rộng) của CCN Minh Khai.
Đến ngày 30/5/2022, Tổng cục Môi trường tiếp tục ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 12/QĐ-XPVPHC, phạt doanh nghiệp này số tiền 220 triệu đồng.
Tại Thông báo Kết luận thanh tra số 271/TB-TTCP ngày 26/2/2024, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức, chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND huyện Văn Lâm phối hợp với Chủ đầu tư hạ tầng CCN xử lý dứt điểm những nội dung tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng trong CCN Minh Khai mở rộng, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp.
Thực trạng CCN và làng nghề Minh Khai sau 2 thập kỷ với rất nhiều đôn đốc và biện pháp từ cơ quan chức năng, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa hề thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên mức đáng báo động. Vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch tại CCN không chỉ gây thiệt hại, thất thoát về kinh tế cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân.
Đã đến lúc phải xem xét trách nhiệm đối với của cá nhân, tổ chức đã buông lỏng quản lý và giám sát dẫn đến tình trạng này, nếu nghiêm trọng thậm chí có thể xử lý hình sự để làm gương, tạo tiền đề cho việc chấn chỉnh và đưa hoạt động của CCN và làng nghề Minh Khai trở lại đúng quĩ đạo môi trường, phát triển theo hướng xanh, sạch, bền vững.
(Còn nữa)
phapluatplus