Sáng tạo điện ảnh từ chất liệu dân gian

16/01/2024 12:32

Kinhte&Xahoi Nhìn lại thị trường phim Việt trong năm 2023, ngoài tín hiệu vui từ phòng vé khi tổng doanh thu top 6 phim Việt ăn khách nhất năm chiếm 35% thị trường phim rạp trong nước, còn thấy được thành công của các nhà làm phim trẻ trong việc vận dụng chất liệu văn hóa dân gian vào sáng tạo điện ảnh.

Cảnh trong phim "Kẻ ăn hồn".

Thu hút nhờ vừa lạ, vừa quen

Cuối năm 2023, hai tác phẩm “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu” đã thu hút được sự quan tâm của khán giả. Bằng chứng là “Kẻ ăn hồn” thu về hơn 65,5 tỷ đồng và “Quỷ cẩu” với doanh thu hơn 51 tỷ đồng (tính đến ngày 5-1-2024). Đây cũng là hai phim Việt dẫn đầu về doanh thu phòng vé từ lúc ra rạp vào tháng 12-2023. Một điểm chung là hai tác phẩm này đều sử dụng chất liệu văn hóa dân gian đậm đặc.

Ở bộ phim kinh dị “Kẻ ăn hồn” của nhà sản xuất Hoàng Quân, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã chắt lọc chất liệu dân gian để đưa vào phim, dấu ấn văn hóa bản địa rõ ràng. Dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Thảo Trang vốn có số lượng bạn đọc đông đảo, đạo diễn Trần Hữu Tấn đưa vào phim những bài đồng dao được sáng tác mới cho phù hợp với mạch phim, gợi mở cách thức thủ ác của kẻ phản diện. Các câu vè xuất hiện với chủ ý gợi sự thân thuộc, tạo cảm giác bí hiểm, lồng ghép vào đó là nhiều câu chuyện dân gian ma quái, các nhân vật tưởng tượng liên quan đến thế giới bên kia...

Những hình ảnh quen thuộc trong bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” được đạo diễn phim “Kẻ ăn hồn” đưa vào phim, khá thú vị. Đó là cảnh đám cưới trong đêm, mọi người tham gia đều đeo mặt nạ chuột như một tập tục riêng của dân làng, với niềm tin các linh hồn sẽ không bị bắt đi, xua tan những điều không may mắn. Mặt nạ chuột còn có hàm ý sâu xa, gợi nhắc rằng xa xưa tổ tiên của họ từng làm việc ác, sau đó phải sống chui lủi như loài chuột, qua đó tự răn mình đừng gây nên nghiệp ác nữa.

“Việc xây dựng cảnh đám cưới tốn khá nhiều thời gian. Chúng tôi sử dụng văn hóa Việt như lớp áo bên ngoài, qua đó truyền tải thông điệp nhân văn đến người xem, đặc biệt là khán giả trẻ, với cảm giác vừa lạ, vừa quen” - đạo diễn Trần Hữu Tấn nói.

Ra rạp sau “Kẻ ăn hồn” không lâu, bộ phim “Quỷ cẩu” (đạo diễn Lưu Thanh Luân) đã "trụ rạp" khá tốt sau gần một tháng phát hành, lượng khán giả tăng ổn định. Mượn câu chuyện truyền miệng “Chú chó đội nón mê”, đạo diễn phản ánh thực trạng trộm chó, giết chó và nghiệp báo mà con người phải gánh chịu sau những hành động vô pháp của mình.

Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa chia sẻ: "Phim “Quỷ cẩu” là dự án mở đường cho một chuỗi dự án điện ảnh mà chúng tôi đã ấp ủ 3 năm qua, gồm 3 phần khác nhau với chủ đề kinh dị kết hợp chất dân gian huyền bí, mang thông điệp tích cực, sẽ tiếp tục ra mắt trong những năm tới".

Thành công về mặt doanh thu của hai bộ phim kể trên là tín hiệu tích cực dành cho phim kinh dị Việt, củng cố niềm tin của nhà làm phim trên con đường khai thác chất liệu dân gian.

 
Cảnh trong phim "Người vợ cuối cùng".

Không thể qua loa

Không chỉ dòng phim kinh dị, tín hiệu vui từ sự hưởng ứng của khán giả còn đến với nhiều bộ phim cổ trang Việt ra mắt trong năm nay, tiêu biểu là phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ với doanh thu phòng vé hơn 97 tỷ đồng. Chọn bối cảnh mang đậm dấu ấn văn hóa Bắc Bộ, kết hợp với việc đầu tư kỹ lưỡng về phục trang, thiết kế mỹ thuật, bộ phim để lại cho người xem ấn tượng khó quên nhờ những khung hình đẹp: Cảnh xem múa rối nước, những phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao, cảnh phiên chợ giữa làng, những ngôi nhà bằng tre nứa, mái lá, cảnh nhà quan khang trang, cổ kính... Bài hát “Bèo dạt mây trôi” được lồng ghép trong cảnh cuối phim, mang lại cảm giác lắng đọng, tiếc nuối.

Đáng lưu ý, khâu thiết kế phục trang được đầu tư một cách chỉn chu, được quảng bá rộng rãi trước khi phim ra rạp. Diễn viên kiêm nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp chia sẻ: Với bối cảnh phim từ thời Nguyễn, nhà thiết kế đã tìm hiểu trang phục của người dân, từ tấm áo ngũ thân đến cách vấn tóc của những người phụ nữ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, thói quen sinh hoạt của người dân...

“Chúng tôi vẫn có sự bay bổng nhất định trong thiết kế phục trang. Sự phối màu từ trang phục của diễn viên đến bối cảnh hài hòa. Ví dụ, cảnh ăn cỗ trong nhà quan với nhiều gam màu quần áo khác nhau nhưng không sặc sỡ, vì đều là màu trầm. Mỗi nhân vật bà vợ quan có trang phục phù hợp với tính cách: Bà cả mặc màu đỏ, cam, vàng, phù hợp với tính cách nóng nảy, ghê gớm; mợ hai thường mặc màu xanh lá cây, thể hiện cá tính hơi tự do, vô tư; mợ ba mặc màu xanh tím than, nâu, hợp với tâm trạng trầm buồn của cô ấy” - nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp nói.

Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng: Điều làm cho người Việt tự hào và tạo ra sự khác biệt, nổi trội chính là yếu tố văn hóa, với những nét đặc sắc không thể trộn lẫn với bất cứ nơi nào. Dĩ nhiên sẽ có những điểm khó, bởi với thể loại kinh dị, khi lồng ghép các yếu tố văn hóa dân gian thì cần xác định thế nào là đủ, thế nào là đi quá giới hạn. “Chúng tôi vừa làm vừa chỉnh sửa, hoàn thiện. Không thể chủ quan với những điều mình đã biết, mà phải tham khảo và xin ý kiến tư vấn một cách cẩn trọng. Đó là yếu tố cần thiết khi thực hiện những bộ phim có mượn chất liệu văn hóa dân gian” - nhà sản xuất Hoàng Quân nói.

Anh cũng cho biết, trong dự án “Kẻ ăn hồn” mình đã được cố vấn, được hỗ trợ thông tin, chẳng hạn như trong thời kỳ ấy, với câu chuyện ấy thì sử dụng chất liệu như thế nào cho "ra dáng Việt Nam" nhất có thể. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố được làm theo cảm nhận chủ quan mà nếu được làm lại, ê kíp làm phim sẽ nghiên cứu và tìm sự hỗ trợ, tư vấn một cách bài bản hơn.

Nhà biên kịch Kay Nguyễn, người gắn bó với những tác phẩm điện ảnh "Cô Ba Sài Gòn” trong vai trò đồng đạo diễn, "Công tử Bạc Liêu" với vai trò đồng biên kịch, cho rằng, chất liệu dân gian tạo sự thân thuộc. “Không khí ấy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ kịch bản, bối cảnh, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, giọng điệu diễn viên, hậu kỳ, kỹ xảo... Dòng phim kinh dị, cổ trang với bối cảnh quá khứ cần kinh phí "khủng" để thiết lập không gian, phong tục, lề thói” - nhà biên kịch Kay Nguyễn nói.

Dường như có một chất xúc tác rất mạnh mẽ đã “lôi kéo” những người trẻ dám bỏ tiền, bỏ công sức tìm hiểu và đầu tư sản xuất những bộ phim “made in Vietnam”. Họ đã nỗ lực khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc trong sáng tạo điện ảnh, với mong muốn tạo nên những câu chuyện của người Việt Nam, với chất liệu văn hóa Việt Nam. Đó là điều rất đáng khích lệ.

Phương Thúy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sìn Hồ (Lai Châu): Xưởng chế biến sắn xây dựng trái phép, xả thải gây ô nhiễm môi trường

Bất chấp các quy định của pháp luật, một xưởng chế biến tinh bột sắn vẫn ngang nhiên được xây dựng trái phép tại bản Căn Co, xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Dù chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng xưởng này vẫn được hoàn thiện rồi đi vào hoạt động gây ô nhiễm môi trường, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng… khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/sang-tao-dien-anh-tu-chat-lieu-dan-gian-655937.html