Hai ngày sau, tôi đã rưng rưng khi biết thêm về một siêu thị độc đáo với tên “siêu thị hạnh phúc 0 đồng” trên phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, sẻ chia với người dân trong lúc khó khăn vì tạm đứt việc làm, cuộc sống gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Biết rằng, để giúp người dân vượt khó khăn trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, các cấp chính quyền, đoàn thể của thành phố và cơ sở đã triển khai rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực như tặng gạo, tặng thực phẩm, tặng tiền… Nhưng việc các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức thêm là rất trân trọng để hành trình vượt khó này bớt hơn gian nan.
Và giọt nước mắt đã chực lăn khỏi bờ mi tôi sáng 16-4, khi chạm vào dòng tít trên tờ báo điện tử I.: “Rớt nước mắt nghe ông lão 70 tuổi kể chuyện đi mua hàng 0 đồng ở siêu thị hạnh phúc”. Trong bản tin ấy, một người đàn ông gầy gò đã nói với phóng viên: "Tối hôm qua, trong nhà tôi còn đúng 1 bát gạo. Nếu hôm nay không đến đây, không có những đồ ăn này, chắc tôi phải cầm tạm chiếc điện thoại này lấy vài trăm nghìn đi mua vài cân gạo và ít lạc về ăn mấy bữa”… Người thật, có họ tên, địa chỉ rõ ràng (Nguyễn Hữu K, 70 tuổi, quận Hà Đông), chuyện nghe nhói lòng - làm sao không rưng rưng!
Đại diện chính quyền địa phương tới nhà trao quà hỗ trợ ông K.
Cũng như bao người khi đọc bài báo đó, tôi mong được tìm hiểu để giúp đỡ ông. Tôi đã gọi điện thoại cho người quen ở quận Hà Đông để nhờ hỏi cụ thể thêm hoàn cảnh của người này. Chưa đầy một ngày, bạn gửi cho tôi thông tin: Ông Nguyễn Hữu K sinh năm 1956, chứ không phải 70 tuổi như tờ báo nọ nói. Ông K về ở tại phường từ tháng 3-2019 nhưng không khai báo. Hiện ông K ở một mình, có nhà cửa đàng hoàng, không khó khăn như báo đã nêu. Đặc biệt, bạn tôi cho biết thêm, nhiều ngày nay, chính quyền phường đã lên danh sách những hộ khó khăn, hộ nghèo… để chuyển quà tới hỗ trợ, đồng thời thông báo những địa chỉ có cây “ATM gạo” để mọi người khó khăn có thể đến lấy. Để minh chứng, bạn gửi kèm cho tôi bức ảnh ông K đang nhận quà của phường tại nhà riêng của mình: Một căn hộ có tủ, tivi màn hình phẳng…
Đọc thông tin bạn gửi, lòng tin của tôi về tờ báo I. lập tức bị bóp nghẹt!
Chiều 17-4, một bài báo khác trên tờ báo T. lại khiến tôi rưng rưng với dòng tít: “Giọt nước mắt phía sau những cây “ATM gạo”". Những giọt nước mắt, theo phóng viên báo này, gắn với những người dân cụ thể.
Đó là cụ bà Đàm Thị T, trú tại quận Cầu Giấy, đi bộ giữa trưa cả quãng đường 5 km tìm đến cây "ATM gạo” ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thì cây gạo tạm nghỉ để tổ chức lại cách phát gạo. Bà T ở cùng người cháu gái mất việc làm, mà bà thì già. Trước đây, bà T bán rau, chuối ở chợ, vì dịch phải tạm nghỉ… Không có ai đưa đón, chân yếu, bà được người viết bài ngỏ ý đưa về...
Vậy nhưng khi hỏi lại cán bộ địa phương nơi bà T cư trú, tôi được nghe thông tin khác: Bà T hiện đang ở cùng một người cháu nội sinh năm 2001, đã đi làm. Bên cạnh nhà bà là nhà con trai. Ngôi nhà bà đang ở diện tích mặt sàn khoảng 30m2, xây 3,5 tầng kiên cố bê tông cốt thép. Vật dụng trong nhà có đủ tivi, xe máy, tủ lạnh, điều hòa, bếp từ… Theo chính quyền phường, hiện bà T sống bằng tiền tiết kiệm bán đất cách đây 3 năm, cho nên nhiều đợt họp bình xét ở khu dân cư, mọi người đều không đưa bà vào diện đề nghị phường hỗ trợ hằng năm cũng như trong đợt dịch Covid-19.
Một cụ bà nữa cũng có hoàn cảnh khiến người đọc rưng rưng là bà Nguyễn Thị N, 66 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm: "Chồng mất, bà nuôi con trai bị tâm thần. Ngày thường đi bán rau, giờ sinh kế khó khăn…”. Giống bà T, bà N cũng “cuốc bộ 5 km" từ nhà tới nơi đặt cây "ATM gạo” ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao của quận Bắc Từ Liêm để nhận 3 kg gạo.
Tương tự như ở Cầu Giấy, thông tin từ quận Bắc Từ Liêm lại cho sự thật khác: Bà N sống cùng con trai, con trai bà có sức khỏe bình thường. Năm 2018, phường đã trợ cấp chế độ cho gia đình bà 1 triệu đồng/tháng. Thực hiện cách ly xã hội do dịch Covid-19 vừa qua, địa phương đã 2 lần hỗ trợ cho gia đình bà: Lần 1 ngày 2-4 hỗ trợ 10kg gạo và 1 thùng mì ăn liền; ngày 7-4 trao tặng thêm 10 kg gạo nữa.
Thêm một lần, sự rưng rưng của tôi thắt nghẹn trước sự thật.
Bà N nhận quà hỗ trợ của địa phương lần 1.
Bà N nhận quà hỗ trợ của địa phương lần 2.
Chưa hết...
Tạp chí điện tử Z. cũng khiến tôi rưng rưng với thân phận những người dân phố cổ khi có bài viết: “Những người “ăn qua bữa, sống qua ngày” giữa đại dịch Covid-19”. Bài viết đưa về 3 số phận: Gia đình chị Y có 6 người, “cả tháng nay sống bằng mì tôm, vài cân gạo do phường hỗ trợ” vì cả hai vợ chồng không có việc, hàng nước chè vỉa hè của chị bị dừng bán hàng trong khi gia đình không có gì tích lũy. Cạnh đó là nhà bà L, con gái học lớp 9 tạm nghỉ, được "phường hỗ trợ 5 kg gạo và 1 thùng mì ăn liền, bà L tính nhẩm số thực phẩm này sẽ ăn được trong vài tuần nếu dè xẻn. Vậy là, bữa ăn hằng ngày của 2 mẹ con gồm lưng bơ gạo, 2 quả trứng và 1 món rau”. Cuối cùng là gia đình bà Nguyễn Thị L (60 tuổi) có một tiệm bánh mì nhỏ mở vào mỗi sáng nhưng đã ngừng hoạt động sau lệnh cách ly xã hội, hai ông bà chỉ còn lại số tiền nhỏ để duy trì việc sống qua ngày bằng mì gói và những bữa cơm không có thịt...
Tôi gọi cho anh bạn làm cán bộ quận Hoàn Kiếm kèm lời trách: Sao để người dân khó khăn vậy mà lại không quan tâm! Chưa đầy một ngày, anh chuyển cho tôi bản báo cáo của phường sở tại với những sự thật khác: Hộ gia đình chị Y trong những ngày qua đã 3 lần được UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường trao quà với các mức 200.000, 300.000 và 250.000 đồng kèm nhiều nhu yếu phẩm, thực phẩm; bà L hàng xóm như phóng viên đặt tên - thì tên thật là Nguyễn Thị H, cũng 2 lần được nhận quà hỗ trợ với mức 200.000 đồng, 250.000 đồng.
Còn bà Nguyễn Thị L, cũng do tác giả đặt tên, theo ảnh lại là bà Phạm Thị L, hiện là một cán bộ hội phụ nữ địa bàn, được Hội Liên hiệp phụ nữ phường đề xuất tặng quà hỗ trợ, nhưng bà từ chối để nhường cho hộ gia đình khó khăn hơn. Chồng bà tham gia trực tuyên truyền, hai con bà thường xuyên tham gia các hoạt động xung kích tình nguyện của Đoàn Thanh niên phường. Cả gia đình đều tin tưởng, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, bỗng bị lên báo với những thông tin không đúng, làm mất đi mục đích hoạt động tốt đẹp đang làm.
“Quá tam ba bận” - 3 lần tôi rưng rưng - 3 lần cảm xúc của tôi bị dừng lại đột ngột trước thông tin không đúng sự thật. Cảm giác như bị lừa thắt nghẹn trong lòng.
Tại sao là cơ quan thông tin tuyên truyền mà một số tờ báo, tạp chí lại thiếu cẩn trọng đến thế trong truy đến cùng sự thật? Mà công việc đâu có khó khăn gì: Chỉ cần thẩm tra qua chính quyền quận, phường là ra ngay hoàn cảnh và cũng ra ngay trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở - để biểu dương hay phê bình cũng đều xác đáng!
Tại sao những thông tin sai lệch như thế lại được phản ánh đầy xúc động, trong khi có biết bao tấm gương chung tay, góp sức của các ngành, các cấp hy sinh chống dịch, trợ giúp người khó khăn lại ít được nhắc đến một cách đủ sâu, đủ đầy?
Hà Nội là một địa phương đạt rất nhiều kết quả to lớn về giảm nghèo, chăm sóc người có công và bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 100% người có công với cách mạng và người nghèo đã được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; năm 2020 thành phố tiếp tục phấn đấu giảm 0,42% hộ nghèo cuối cùng để đến hết năm cơ bản không còn hộ nghèo…
Vậy mà, những thông tin không chuẩn xác vô tình đã làm méo mó sự thật, dựng nên một hình ảnh không trung thực về đời sống xã hội Thủ đô, gây thêm những tâm tư, đặc biệt trong lúc Hà Nội và cả nước đang căng mình phòng, chống dịch.
Những thông tin không đúng thực tế về Hà Nội cứ lặp đi, lặp lại công khai trên báo chí như vậy lại khiến con tim tôi rưng rưng...
Rưng rưng vì "một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì; nhưng một nửa sự thật thì không thể là sự thật được"!