Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Hội nghị.
Ngày 19/1, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo) và Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, nông nghiệp trong nhiều năm liền được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Thành tựu trng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đạt được trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông nhấn mạnh, thời điểm này đã chín muồi để tổng kết và ban hành 1 nghị quyết mới của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết mới phải đạt yêu cầu tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bởi dù các lĩnh vực khác có phát triển mạnh mẽ tới đâu, gây ra bất ổn trong nông dân, gây ra sự không an tâm của người tham gia vào kinh tế nông nghiệp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Theo Thường trực Ban Bí thư, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi; trong đó phải xác định được các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý nguyên tắc ra Nghị quyết mới phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này trên cơ sở vấn đề đã làm hay thì tiếp tục phát huy, đồng thời có giải pháp giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém, đặc biệt là thể chế về đất đai.
“Người nông dân an tâm và có thể làm giàu trên đất mà Nhà nước đã giao hoặc tạo điều kiện thực hiện điều mà bấy lâu nay chúng ta vẫn mơ ước là ly nông nhưng không ly hương. Thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ đợi để giải cứu”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp thu chắt lọc kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết để phấn đấu đến tháng 3 trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tiếp tục hoàn thiện đến tháng 5 trình Trung ương.
T. Thành - Pháp luật Plus