Sẽ có phương án điều hàng hóa tới miền Trung, nếu thiếu
Kinhte&Xahoi
Trong thông báo mới nhất của Bộ Công Thương, trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng nằm ngoài khả năng kiểm soát, Sở Công Thương các tỉnh cần báo cáo gấp Bộ Công Thương để có phương án điều hàng ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận.
Hàng hóa nhu yếu phẩm đã được dự trữ đầy đủ
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở một số tỉnh miền Trung gây lụt cục bộ, nhiều huyện miền núi bị chia cắt, Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ nắm tình hình, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai thực hiện theo kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt chú trọng công tác dự trữ tại chỗ.
Cụ thể, tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến; Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối đã được phân công dự trữ hàng hóa tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; thực hiện xuất kho, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Các địa phương phối hợp gửi lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm soát thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Theo báo cáo mới nhất, công tác dự trữ hàng hóa tại 4 tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của lũ lụt đã được thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình có 10 siêu thị và doanh nghiệp trữ hàng hóa khoảng 6,7 tỷ đồng với 63.700 thùng mỳ ăn liền, 12.600 thùng lương khô; 1.175 tấn gạo; 17.500 thùng nước uống đóng chai; 1.700 tấn các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác:
Ở tỉnh Quảng Trị có 2 đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm với 50.000 thùng mỳ ăn liền; 300 tấn gạo; 30.000 thùng nước uống đóng chai; 100.000 hộp đồ hộp các loại.
10 doanh nghiệp tham gia dự trữ nhu yếu phẩm tại Thừa Thiên Huế và 2 đơn vị tại Quảng Nam.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ứng phó, hỗ trợ tốt nhất cho người dân sớm ổn định cuộc sống tại các tỉnh miền Trung, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai nhiệm vụ được giao về công tác cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường.
Trong đó tập trung một số công việc như sau: đánh giá tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu; Dự báo nhu cầu tại các khu vực, tỉnh sẽ tiếp tục chịu tác động của lũ lụt và biện pháp ứng phó khi lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng nằm ngoài khả năng kiểm soát, Sở Công Thương các tỉnh cần báo cáo gấp Bộ Công Thương để có phương án điều hàng ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận để kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 2868/BCT-TTTN hướng dẫn các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai.
Trong đó tập trung vào nắm bắt tình hình cung cầu và hệ thống phân phối các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa mưa, lũ và chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt.
Khi xảy ra thiên tai, bão lụt xảy ra, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên địa bàn tham gia chuẩn bị dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp kịp thời cho nhân dân trên địa bàn khi có thiên tai xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.
Hiện nay, Bộ Công Thương thường xuyên liên hệ với đầu mối liên lạc tại địa phương, cập nhật thông tin diễn biến của mưa lũ để để nắm sát tình hình, kịp thời có chỉ đạo đối với hoạt động lưu thông, cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân. |
Phóng viên - Pháp luật Plus