Sẽ xuất khẩu 1.000 tấn vải tươi sang Nhật Bản?

28/05/2021 16:00

Kinhte&Xahoi Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, sau một năm Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho mặt hàng vải thiều tươi của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Nhật Bản năm 2021 hiện đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi.

Tính đến thời điểm này, lượng vải thiều xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản đã vào khoảng vài chục tấn. Trong đó, Công ty CP Ameii Việt Nam là đầu mối XK chính mặt hàng vải thiều Thanh Hà. Theo đại diện Công ty, năm 2020, năm đầu tiên được xuất vải tươi vào Nhật Bản, Công ty đã XK 30 tấn vải tươi vào thị trường này. Năm nay, dự định số lượng vải xuất sang Nhật Bản khoảng 300 tấn. 

Cùng lúc đó, các đầu mối đưa vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản cũng đã bắt đầu những chuyến hàng vải sớm đầu tiên. Đáng chú ý, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây chính là giấy thông hành để quả vải Lục Ngạn thuận lợi vào thị trường Nhật Bản. Năm nay, Bắc Giang đã dành 219 ha để trồng vải  xuất sang Nhật Bản với sản lượng lên đến cả nghìn tấn. 

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang sau một năm xâm nhập thị trường Nhật Bản. Lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON (vào tháng 6/2020), quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè. 

Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng qua từng năm cũng góp phần nâng cao nhu cầu mua và ăn vải thiều tại Nhật. Câu chuyện về quả vải tươi của Việt Nam được nhiều người dân Nhật Bản và Việt Nam tại Nhật Bản trao đổi thường xuyên và trở thành đề tài nói chuyện “Câu chuyện làm quà” trước khi trao đổi công việc chính.

Trước thuận lợi này, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản, như phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về chương trình mua vải theo hình thức trực tuyến, đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn. 

“Trong mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối XK vải thiều đã xây dựng kế hoạch XK khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thêm thông tin và cập nhật tình hình mua bán thực tế tại thị trường này” - đại diện Thương vụ nói. 

Ngoài ra, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể được cho phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Nhật Bản từ trước đến nay luôn nổi tiếng là một thị trường có các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, đồng thời người tiêu dùng đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nhập khẩu. Do vậy, Thương vụ hy vọng người nông dân và cơ quan chức năng Việt Nam cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá XK ổn định. 

Được biết, khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam tại Nhật Bản rất quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường này. Đó là lý do mà Thương vụ sẽ tiếp tục đưa ra các chương trình củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

Đồng thời, Thương vụ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước cũng như các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối tại Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, giúp cho quả vải thiều được nhiều người Nhật Bản biết tới hơn nữa.

Tạo điều kiện thông quan vải tươi qua cửa khẩu

Nhằm hỗ trợ tốt nhất quả vải tươi qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn cho phép Sở Công Thương gửi Công hàm cho Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc liên quan đến hoạt động xuất khẩu quả vải tươi.

Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đề nghị Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với mặt hàng quả vải tươi thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu trong vụ thu hoạch sắp tới, dự kiến từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7/2021; chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan mặt hàng này.

Đặc biệt, quan tâm tăng số lượng đội lái xe chuyên trách của phía Hà Khẩu nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hoá tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).

Trong những ngày cao điểm, phối hợp bố trí kéo dài thời gian thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc) từ 7h đến 22h (giờ Hà Nội) và từ 8h đến 23h (giờ Bắc Kinh) hàng ngày.

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt, mặt hàng quả vải đang bắt đầu vào vụ thu hoạch cao điểm, chủ yếu ở tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Đây cũng là hai địa phương dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, lực lượng chức năng tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành cũng đã có những giải pháp phù hợp, bảo đảm vừa tạo điều kiện xuất khẩu vừa phòng chống dịch bệnh.

Khánh Linh




Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chung sức đồng lòng

Hôm qua - ngày 27/5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Có thể nói, chưa bao giờ cần cả nước chung tay như lúc này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/se-xuat-khau-1000-tan-vai-tuoi-sang-nhat-ban-d156768.html