“Siết” trách nhiệm trong quản lý quy hoạch

14/03/2022 08:53

Kinhte&Xahoi Để tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đặt ra yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và gắn với việc cụ thể hóa trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và gắn với cụ thể hóa trách nhiệm sẽ góp phần tạo chuyển biến trong quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

Nhận diện những hạn chế, tồn tại

Ngày 2-3-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”. Trong đó, quy hoạch được xác định phải đi trước với phương pháp và cách làm khoa học, có tầm nhìn và chiến lược phát triển, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của thành phố.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhận định, Chỉ thị số 14-CT/TU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm thành phố đang thực hiện đồng bộ khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn toàn mới, là bước đột phá nhằm phát triển Thủ đô nhanh, bền vững. 

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh chia sẻ, hiện công tác quy hoạch tuy đã đạt được khối lượng lớn nhưng một số đồ án còn chưa đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch chưa được chú trọng…

Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu là yêu cầu hết sức quan trọng. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, quá trình lập quy hoạch, các cấp, ngành phải quán triệt phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”, cũng như tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước, củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Những yêu cầu cụ thể được nêu tại Chỉ thị số 14-CT/TU cũng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. “Sở đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị và cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường phù hợp yêu cầu phát triển đô thị, nông thôn của Thủ đô. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dự báo, có tính khả thi và bền vững trong tương lai, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các đơn vị chú trọng công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát, quản lý quy hoạch”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nêu.

Từ góc độ địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp kiến nghị: “Việc cá thể hóa trách nhiệm nên đi cùng với phân cấp mạnh, giao cấp huyện thực hiện các thủ tục như chấp thuận danh mục, thẩm định phê duyệt kinh phí... để chủ động trong lập các quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc, trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án dân sinh quan trọng”. Theo ông Triệu Đình Hiệp, trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 11 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với tổng quy mô trên 200ha đất. Tuy nhiên, các dự án này đang có tiến độ triển khai chậm, cá biệt có dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu triển khai đến nay đã gần 20 năm nhưng chưa hoàn thành.

Trong khi đó, quận Hoàng Mai - cửa ngõ phía Nam Thủ đô, có tốc độ phát triển đô thị cao, dân số gia tăng cơ học nhanh nhưng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ nên việc quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhận được sự chỉ đạo đồng bộ từ các cấp. Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh, thời gian tới, việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị sẽ được ưu tiên hàng đầu. Quận cũng đang khảo sát, đưa vào danh mục đầu tư các tuyến đường giao thông quy hoạch nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng cũng như: Đầu tư cải tạo, chỉnh trang Công viên Đền Lừ, Bắc Linh Đàm, Vĩnh Hoàng, kết hợp trang trí chiếu sáng... bảo đảm cảnh quan đô thị.

Sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành như yêu cầu đặt ra từ Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đang mang tới những chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô.

 Bảo Hân - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

405 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

Theo thông tin từ Hội đồng Giáo sư nhà nước, tại phiên họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021 vừa diễn ra, đã có 405 ứng viên đạt tiêu chuẩn. Trong đó, có 42 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, 363 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. So với số lượng hồ sơ ứng viên của hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị, có 10 ứng viên không đạt tiêu chuẩn.

Lập mã vùng trồng chuối hướng tới xuất khẩu

Ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định cây chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực (bưởi, chuối, nhãn, cam...) qua đó, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ...

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1026888/siet-trach-nhiem-trong-quan-ly-quy-hoach