Trong năm 2022, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico – Mã chứng khoán: SJS) đã công bố về việc thay đổi cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn điều lệ.
Cụ thể, Tổng công ty Sông Đà đã chính thức rút khỏi Sudico qua phiên đấu giá cổ phiếu diễn ra thành công ngày 5/4/2022. Cùng với đó, cổ đông mới của Sudico là CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát với 36,65% vốn điều lệ.
Trong thương vụ này, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát đã chi ra hơn 4.200 tỷ đồng để mua toàn bộ lô cổ phiếu SJS của Sudico với giá trúng 102.000 đồng/cổ phần.
Lợi nhuận Sudico đi xuống trong những năm qua.
Trong những năm qua, lợi nhuận của “ông lớn Sudico” liên tục đi xuống. Cụ thể, năm 2015, doanh nghiệp báo lãi ròng 225,8 tỷ đồng, bước sang năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Sudico giảm 20% về 180,4 tỷ đồng.
Đà suy giảm lợi nhuận kéo dài sang những năm sau đó, lần lượt đạt 142,7 tỷ đồng (năm 2017); 113,5 tỷ đồng (2018); 107,2 tỷ đồng (năm 2019); 41,9 tỷ đồng (năm 2020) và 84,1 tỷ đồng (năm 2021)
Với sự tham gia của CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát vào Sudico, kết quả kinh doanh của SJS được kỳ vọng sẽ có chuyển biến sau khi liên tục đi xuống trong những năm qua.
Vậy An Phát là ai?
Trong khi đó, Công ty An Phát ra đời vào ngày 15/12/2016, hiện trụ sở chính đặt tại tòa nhà Lotus, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm ban đầu, doanh nghiệp xây dựng này có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, góp bởi ba cá nhân là bà Mạc Thị Luận (1973), Võ Thị Thanh Trà (1981) và ông Quách Đức Sơn (1980), chủ tịch hội đồng quản trị và cũng là người sở hữu 92% cổ phần.
Đến giữa tháng 2/2017, Công ty An Phát tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông không thay đổi. Trước thềm tham dự đợt đấu giá cổ phiếu SJS khoảng 7 tháng, Công ty An Phát tiếp tục tăng vốn rất mạnh lên 1.800 tỷ đồng, cùng với đó vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị chuyển sang cho ông Phạm Thành Huy (1977).
Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy hiện đang là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng - doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án "Khu đô thị Sông Hồng" tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Lợi nhuận đi lùi, tăng vay nợ kỷ lục để bù đắp dòng tiền
Trở lại câu chuyện của SJS, theo đó doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 12/9/2001. Đến năm 2003, doanh nghiệp này đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Sudico từng là một tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản với Dự án tại khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì (Hà Nội). Dự án có quy mô 36ha với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng là một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000.
Sau thành công trên, Sudico triển khai nhiều dự án đô thị, dân cư và du lịch sinh thái lớn khắp cả nước như: Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280ha), dự án khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65ha); dự án Hòa Hải – Đà Nẵng (12ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39ha)…
Dù vậy, nhiều năm gần đây, Sudico không có tiền trả cổ tức, phải khất nợ. Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Sudico có tổng tài sản hơn 6.900 tỷ đồng, chiếm phần lớn là là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại 2 dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (3.538 tỷ đồng) và Khu đô thị mới Hòa Hải – Đà Nẵng (1.164 tỷ đồng)….
Sau khi Tổng công ty Sông Đà rút khỏi Sudico, trong quý II/2022, SJS ghi nhận doanh thu đạt 45,64 tỷ đồng, giảm 74,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,18 tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ. Công ty chỉ thoát lỗ trong quý II/2022 nhờ vào việc ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến.
Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng.
Mới đây nhất, tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 vừa được Sudico công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 130,6 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 2,83 tỷ đồng, chỉ bằng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Xét về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, quý III/2022, Công ty ghi nhận mức lãi hơn 15,9 tỷ đồng, giảm gần 36% so với con số lãi 24,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, đã hai quý liên tiếp kể từ khi Tổng công ty Sông Đà đã chính thức rút khỏi Sudico qua phiên đấu giá cổ phiếu diễn ra thành công ngày 5/4/2022, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn chưa cho thấy tín hiệu khởi sắc khi doanh thu, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế… tiếp tục sụt giảm mạnh so với các năm trước đó.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2022 là 2.477,8 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 4.306,7 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của Sudico đang gấp tới 1,74 lần vốn chủ sở hữu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 368,03 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 22,85 tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Sudico đặt kế doanh thu 1.181 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 264 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 48,14 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 18,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 582,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 188,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 47,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 354,7 tỷ đồng, nhưng chủ yếu tăng vay nợ (Trong mục lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính, khoản tiền thu từ đi vay lên đến hơn 395,5 tỷ đồng). Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã phải tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.
Cơ cấu tồn kho của Sudico tới 30/9/2022. (Nguồn số liệu: BCTC Sudico)
Thế kẹt của Sudico khi “chôn” vốn tại các dự án
Một chỉ tiêu đáng chú ý trong bức tranh tài chính Sudico 5 năm qua chính là chi phi sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn luôn neo cao với nhiều dự án dậm chân tại chỗ.
Cụ thể, vào năm 2016, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của Sudico là 2.016 tỷ đồng.
Trong đó, Dự án Khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng 1.108 tỷ đồng; Dự án Văn La - Văn Khê - Hà Đông 474 tỷ đồng; Dự án Tiến Xuân 139 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Vĩnh Thanh - Nhơn Trạch - Đồng Nai 84 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 100 tỷ đồng..
Tại thời điểm 30/9/2022, tài sản ngắn hạn của Sudico đạt hơn 4.030,8 tỷ đồng, trong khi tài sản dài hạn là hơn 2.753,7 tỷ đồng, tổng tài sản là 6784,5 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 3.664,0 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản; Khoản tồn kho lớn nhất của Công ty hiện tại là 3.597,4 tỷ đồng dự án Khu đô thị Nam An Khánh (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Khu nhà ở Văn La - Văn Khê từng bị HĐND TP. Hà Nội đưa vào diện giám sát dự án chậm tiến độ (Ảnh: Báo Đại Đoàn kết)
Đáng chú ý, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của Sudico đã tiếp tục tăng lên 2.270,0 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản dở dang dài hạn chủ yếu 1.230,8 tỷ đồng dự án Hoà Hải - Đà Nẵng; 538,8 tỷ đồng dự án Văn La - Văn Khê; 177,2 tỷ đồng dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì; 156,3 tỷ đồng dự án Tiến Xuân; 109,0 tỷ đồng dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng; Dự án Khu đô thị Thịnh Lang – Hòa Bình là 36,5 tỷ đồng…
Đơn cử liên quan đến Dự án tại Tiến Xuân của của Công ty TNHH Một thành viên Sudico Tiến Xuân, UBND TP Hà Nội từng có Báo cáo số 75/BC-UBND ngày 17/3/2021 về kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố từ năm 2018 đến nay.
Trong đó, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị thu hồi dự án Khu đô thị Tiến Xuân. Được biết, dự án đã triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chỉ đang “ở trên giấy”.
Hay tại Dự án Văn La - Văn Khê thuộc phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội),UBND tỉnh Hà Tây giao cho Sudico làm chủ đầu tư tại văn bản số 776/UBND-XD ngày 3/3/2006 và được giao đất chính thức tại quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 14/7/2008. Đến tháng 11/2015, dự án lại được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Sau nhiều năm "ôm đất" nhưng vẫn chậm tiến độ, trong năm 2021, dự án Văn - Văn Khê (quận Hà Đông) từng bị HĐND TP Hà Nội đưa vào diện giám sát dự án chậm tiến độ.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Tiến Xuân từng bị TP Hà Nội kiến nghị thu hồi (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư)
Điều này đồng nghĩa với việc, Sudico vẫn phải tiếp tục "chôn vốn" tại các dự án này. Về ngắn hạn, vốn đầu tư bị chôn trong khoản mục dở dang, tiến độ đầu tư chậm, nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Về dài hạn, chi phí lãi vay ngày càng tăng, làm giảm hiệu quả đầu tư, và dự án có rủi ro sẽ bị thu hồi.
Ngoài ra, việc thiếu hụt dòng tiền còn thể hiện qua việc Sudico đã liên tục trễ hẹn thanh toán cổ tức.
Tháng 5/2019, Sudico đã chốt danh sách chi trả cổ tức tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ 10%. Tháng 12/2019, Sudico chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Nhưng tất cả các đợt chi trả cổ tức trên đều bị lùi thời gian thanh toán, với lý do Công ty chưa thu xếp được tiền.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Sudico. (Ảnh: Sudico)
Mới đây nhất, ngày 16/6/2022 vừa qua, Sudico đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Đáng chú ý, Sudico đề xuất thông qua việc thay đổi phương thức trả cổ tức các năm 2018, 2019, 2020 cho cổ đông từ tiền mặt sang trả bằng cổ phiếu.
Đồng thời công ty cũng thông qua phương án phát hành hơn 126 triệu cổ phiếu trả cổ tức các năm trên cho cổ đông nhằm giảm “nợ” cổ tức kéo dài.
Nếu như hoàn thành việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức các năm 2018, 2019, 2020, Sudico vẫn còn nợ số cổ tức các năm 2016, 2017 đối với cổ đông.
Lê Hải - Pháp luật Plus