Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, smartphone ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo. “Điểm cộng” đầu tiên của thiết bị này chính là tính nhỏ gọn, linh hoạt, giúp người dùng dễ dàng mang theo bên mình và sử dụng trong mọi tình huống, mọi địa điểm.
Phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp bằng điện thoại thông minh để dựng hình
Dù không thể so sánh hoàn toàn với các thiết bị chuyên dụng như máy ảnh hay camera chuyên nghiệp về chất lượng hình ảnh, âm thanh, nhưng smartphone vẫn đảm bảo được độ chuẩn xác tương đối cao. Quan trọng hơn, thao tác chụp ảnh, quay video hay ghi âm bằng điện thoại diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng tốt nhu cầu ghi lại thông tin tức thì trong các tình huống bất ngờ.
Buổi tập huấn nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên về "Kỹ năng chụp và biên tập ảnh bằng smartphone" do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 3/2025.
Một ưu điểm nổi bật khác là tính an toàn trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt với các phóng viên điều tra. Sử dụng smartphone giúp họ tránh được sự chú ý không cần thiết, ví dụ như ánh đèn flash từ máy ảnh truyền thống. Đồng thời, vì smartphone là thiết bị phổ biến, quen thuộc trong đời sống hằng ngày nên việc tiếp cận đối tượng phỏng vấn cũng trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn.
Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã mang lại cho smartphone nhiều tính năng ưu việt, hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình sản xuất thông tin. Từ việc ghi lại tin tức bằng văn bản, chụp ảnh, quay video, cho đến chuyển đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin tức thời – tất cả đều có thể thực hiện nhanh chóng trên một thiết bị duy nhất. Các phần mềm hỗ trợ soạn thảo văn bản, xử lý ảnh, dựng video, chuyển giọng nói thành văn bản cũng ngày càng đa dạng và dễ sử dụng, giúp phóng viên tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.
Các nhà báo, phóng viên hoàn thành khóa bồi dưỡng và được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cấp giấy chứng nhận "Kỹ năng chụp và biên tập ảnh bằng smartphone" .
Khả năng truyền trực tiếp (livestream) là một thế mạnh đặc biệt, cho phép nhà báo tường thuật sự kiện ngay tại hiện trường, tăng tính tương tác với độc giả và giúp thông tin lan tỏa nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội, trang báo điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, việc tác nghiệp bằng smartphone cũng tồn tại một số hạn chế.
Nhà báo Lưu Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Hành chính bạn đọc báo Bắc Kạn cho biết: “Tôi thường xuyên tác nghiệp bằng điện thoại thông minh trong chụp ảnh và biên tập, đặc biệt là những sự kiện mang tính thời sự, cần nhanh và kịp thời, rất tiện ích cho những người làm báo”.
Nhà báo Lưu Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Hành chính bạn đọc báo Bắc Kạn
Ông Nguyễn Đăng Bách, Trưởng phòng Báo điện tử, Báo Bắc Kạn chia sẻ: “Những năm trước đây, nhà báo, phóng viên của Báo Bắc Kạn đã sử dụng điện thoại thông minh cho việc tác nghiệp báo chí. Tuy nhiên chỉ áp dụng chủ yếu trong việc viết tin ngay trên điện thoại. Đến nay tác dụng của điện thoại thông minh đã được ứng dụng vào nhiều khâu tác nghiệp của nhà báo, như quay phim, chụp ảnh, xử lý đồ họa ảnh, dựng phim. Còn đối với biên tập viên, việc biên tập và xuất bản tin, bài trên báo điện tử bằng điện thoại thông minh là việc làm quen thuộc, rất tiện lợi”.
Nhiều người vẫn giữ quan niệm rằng thiết bị này chưa đủ “tầm” để sản xuất tin tức chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng thiết bị và các ứng dụng hỗ trợ vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cao của các chương trình, tác phẩm báo chí quy mô lớn.
Hơn nữa, công nghệ di động luôn thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ thuật để sử dụng hiệu quả các tính năng mới, smartphone đang trở thành công cụ không thể thiếu trong hoạt động tác nghiệp báo chí hiện đại. Việc tận dụng hiệu quả thiết bị này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nghề báo, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ truyền tải thông tin đến công chúng.
nguonluc