Sợi chỉ đỏ 'Độc lập' trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

02/09/2023 08:38

Kinhte&Xahoi “Độc lập” là vấn đề trên hết, trước hết cần phải giải quyết, trong đó bao hàm những mục tiêu, nội dung cần phải thực hiện một cách kiên quyết, có thể gọi đó là “xương sống” của tư tưởng độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những quan điểm đó được minh chứng bằng những văn kiện, lời nói và thực tiễn sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập

Nhắc đến “độc lập”, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Người cho rằng “độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc”, quyền thiêng liêng và vô cùng quý giá của các dân tộc trên thế giới. Khái niệm “độc lập” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quyền độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là độc lập, tự do giả hiệu. Độc lập phải trên nguyên tắc nước Việt Nam là của người Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm không một dân tộc nào có quyền can thiệp, xâm phạm độc lập, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc khác. Đó là quyền bất khả xâm phạm.

Và một khi quyền độc lập, tự do bị vi phạm thì các dân tộc phải đứng lên chiến đấu tới cùng để giành lại quyền độc lập, tự do. Trong các thư và điện văn gửi đến Liên Hợp quốc và chính phủ các nước từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình.

Tư tưởng, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và chủ quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” và khẳng định ý chí “kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ độc lập, chủ quyền của quốc gia rất toàn diện, bao gồm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo vệ vùng biển, hải đảo và bảo vệ toàn vẹn vùng trời.

Thứ hai là độc lập dân tộc phải gắn liền với hạnh phúc cho nhân dân.

Luận đề này đã được xác định ngay khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu đi tìm đường cứu nước. Bác đi tìm đường cứu nước không phải là tìm một đất nước độc lập với thể chế chính trị xã hội như các bậc tiền bối. Người cho rằng: “nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước là tìm kiếm một nền độc lập mà ở đó nhân dân là người làm chủ xã hội. Họ không chỉ được thoát khỏi ách thống trị của các thế lực ngoại xâm, mà còn thoát khỏi ách nô lệ của bọn vua quan phong kiến trong nước.

Cuộc ra đi tìm đường cứu nước tháng 6/1911 của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành là cuộc đi tìm một con đường cách mạng nhằm giải quyết hai mục tiêu gắn bó với nhau, mục tiêu “kép”: cứu nước và cứu dân. Tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có mục đích cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc thực dân, mà cái quan trọng hơn là giải phóng nhân dân khỏi mọi sự áp bức, bóc lột.


Chính vì vậy, mệnh đề thứ hai là tiền đề để đi đến mệnh đề thứ ba, độc lập dân tộc phải gắn liền chủ nghĩa xã hội, đó là mục tiêu chiến lược của dân tộc ta.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để.

Độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội.

Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính”.

Vẹn nguyên và tỏa sáng một giá trị tư tưởng

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Ngay từ năm 1921, Người đã cho rằng: “Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”.

Quan điểm này được Người quán triệt trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đó là tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Giai đoạn 1930 - 1945 là thời kỳ Việt Nam vẫn nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp, đất nước mất quyền độc lập, nhân dân mất quyền tự do, bị áp bức, bóc lột.

Trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân có mối liên hệ mật thiết với nhau, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân chỉ có thể giành được khi có độc lập dân tộc. Thời kỳ này, vấn đề độc lập dân tộc được xác định bằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày 2/9/1945 là ngày ghi dấu sự kiện vô cùng trọng đại đối với lịch sử đất nước và dân tộc ta. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sau khi giành được độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng, thực hiện các chính sách nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, thì vấn đề độc lập dân tộc lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là vấn đề ưu tiên phải giải quyết.

Lúc này, nội dung độc lập dân tộc gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - giải phóng dân tộc. Khẳng định, nhân dân Việt Nam thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Để cuối cùng đi đến thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vấn đề độc lập dân tộc đã được giải quyết một bước. Trong thời kỳ này, vấn đề độc lập dân tộc được thực hiện bởi đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, ưu tiên lúc này là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất đất nước. Đối với miền Bắc, đó là ưu tiên giải quyết vấn đề dân chủ và hạnh phúc của nhân dân.

Những quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh về độc lập đã đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào ngày 30/4/1975, đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII thông qua đã khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau”.

Hiện nay, khi mà toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu, khái niệm “độc lập” hoàn toàn không có nghĩa là sự biệt lập, đóng kín một cách tuyệt đối của một quốc gia nào đó.

Tự tách biệt mình khỏi khu vực và thế giới thì quốc gia dân tộc không những không có cơ hội phát triển mà sẽ bị cô lập trước toàn thế giới đầy những biến động phức tạp và các thách thức toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện trí tuệ đỉnh cao và tầm nhìn xa trông rộng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Theo đó, độc lập, chủ quyền, lợi ích của mỗi quốc gia phải thống nhất với mục tiêu đấu tranh chung của thời đại, của tất cả các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, mỗi quốc gia phải đồng hành, chia sẻ cùng thế giới trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

 Trần Đức Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguy hại từ thói quen ăn thực phẩm tái sống

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhập viện trong tình trạng co giật, méo miệng, liệt nửa người… nghi ngờ bị đột quỵ.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/soi-chi-do-doc-lap-trong-tu-tuong-chu-tich-ho-chi-minh-d198075.html