Cơn sóng thần tàn phá nền kinh tế
Ba tháng sau khi dịch bệnh virus corona chủng mới khởi phát trở thành dịch bệnh Covid-19, đến nay dịch đã tràn qua hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc) được xác định là nơi khởi nguồn của “sóng thần Covid-19”.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến ngày 5/4/2020, trên toàn cầu đã có hơn 1 triệu người nhiễm, trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch bệnh với hơn 60.000 ca tử vong. Trong đó, có hơn 200.000 ca đã phục hồi. Những số liệu trên cho thấy mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 lớn như thế nào.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh này. Tính đến thời điểm ngày 1/4/2020, Việt Nam đã ghi nhận hơn 200 trường hợp nhiễm Covid-19. Trước tình trạng lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, Chính phủ Việt Nam cùng với các sở, ban ngành các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm chống lại dịch bệnh.
Ngay khi dịch bùng phát mạnh, chúng ta đã tiến hành huỷ toàn bộ các chương trình lễ hội, tránh tụ tập đông người. Với sự chung tay vào cuộc của toàn dân, hàng loạt các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn thông báo đóng cửa... Các cuộc họp “căng như dây đàn” diễn ra khắp cả nước, từ Trung ương đến địa phương nhằm tập trung tốt nhất công tác chống dịch được hiệu quả.
Kinh tế toàn cầu rơi ngưỡng suy thoái
Chia sẻ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, TS. Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho biết: “Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) cho rằng, khi nào mà kinh tế tăng trưởng ở mức dưới 2,5% thì như vậy kinh tế đã rơi vào tình trạng suy thoái. Nhưng lúc này, nhiều tổ chức đã đưa ra cảnh báo chung có thể nền kinh tế toàn cầu năm nay ở dưới mức 2,5%. Như vậy có thể nói nền kinh tế đang rơi vào ngưỡng suy thoái.
Đánh giá về một viễn cảnh xấu nếu dịch bệnh kéo dài, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “Nếu như dịch Covid-19” kéo dài đến hết quý II, tức là đến giữa năm thì khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu là rất rõ. Theo tính toán của nhiều tổ chức cho thấy, kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng được 1,9% hoặc thậm chí có một số tổ chức còn đưa ra nhận định mức tăng trưởng 1,5%, đây là một ngưỡng tăng trưởng rất tệ.
Theo bà Lan thì ảnh hưởng của dịch bệnh này đến nền kinh tế còn nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008-2009.
Mặt khác, dịch bệnh lần này đã làm cho các chuỗi cung ứng của toàn cầu đứt gẫy rất nhiều. Điều này khiến cho việc hình thành các chuỗi trong thời gian tưởng như là tốt, nhưng không phải như vậy.
TS Phạm Chi Lan.
TS Phạm Chị Lan cho biết: “Hầu hết các nước đều giật mình nhận thấy là mình bị lệ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế của Trung Quốc, trong việc cung ứng một số mặt hàng hoặc là thị trường tiêu thụ các mặt hàng lớn của họ. Cả những nước không bị dịch bệnh lây lan đến cũng bị ảnh hưởng về mặt kinh tế từ kinh tế Trung Quốc.
Do đó, hầu hết các nước đang lên phương án cấu trúc lại nền kinh tế toàn cầu nói chung. Bản thân mỗi nền kinh tế tại mỗi quốc gia nói riêng giữa các đối tác khác nhau đều phải đang phải tính toán lại.
“Dù sao thì chúng ta cũng phải khẳng định một điều, Chính phủ Việt Nam đã rất đúng đắn khi mà chọn ưu tiên số một là phòng dịch, dập dịp không để lây lan tại Việt Nam dù tốn kém bao nhiêu về kinh tế thì cũng phải chấp nhận. Còn việc cố gắng đề phát triển kinh tế thì chỉ là vấn đề thứ hai, bởi dập dịch là điều cần thiết, vì nếu mà để dịch bùng phát thì hậu quả còn nặng nề hơn rất nhiều so với việc chỉ suy thoái kinh tế”, TS Phạm Chi Lan chia sẻ.