Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9/2021 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Cụ thể, trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.
Số doanh nghiệp rời bỏ thị trường là rất lớn, song còn chưa phản ánh đúng thực tế
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%.
Tuy nhiên, 9 tháng năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Như vậy, bình quân một tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường.
Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%, trong đó có 11,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 5,7%; 146 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 24%.
Đáng nói, theo cơ quan thống kê, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rời bỏ thị trường.
Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), chưa năm nào số doanh nghiệp thành lập mới lại thấp hơn khá nhiều số doanh nghiệp dừng hoạt động như năm nay.
"Điều này cho thấy doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, khả năng chống chịu của doanh nghiệp đang ngày càng cạn kiệt", ông Thúy nhận định.
Cũng theo vị này, hiện nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng, trong khi chi phí lại tăng rất nhiều cho phòng chống dịch và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Vì vậy, khi dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp cũng chưa thể phục hồi ngay bởi người lao động có thể chưa quay trở lại làm việc.
Trao đổi với Báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, do tình hình dịch bệnh tại một số tình phía Nam còn phức tạp, nên đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, bản thân công ty và nhiều bạn hàng đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Chính phủ đã chuyển chiến lược chống dịch sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với dịch nên việc mở cửa kinh tế lúc này là cần thiết, trong đó việc nới lỏng đi lại, giao thương sẽ giúp doanh nghiệp được kết nối lại chuỗi cung ứng", vị này chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, do có những phương án chủ động phòng chống dịch nên doanh nghiệp dù chịu ảnh hưởng nhưng cũng có kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
"Khi xuất hiện dịch ở Việt Nam, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo xây dựng nhiều phương án giả định về diễn biến của Covid-19 cùng với kế hoạch ứng phó một cách chủ động cho từng phương án. Các nhà máy sản xuất lên nhiều phương án giả định đối với các trường hợp có nhân viên nhiễm Covid-19, phong tỏa hoặc các diễn biến khác ở địa phương và tổ chức diễn tập các phương án điều chuyển hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường", vị này cho biết.
Nói là như vậy, song đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh, nếu tình trạng này kéo dài hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khó có thể duy trì nổi, vì vậy, việc nới lỏng các hoạt động kinh doanh, lưu thông lúc này là rất cần thiết.
Hậu Lộc - TTTĐ