Ngày 10/6, thông tin từ công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố, Công an Thành phố trong công tác phòng cháy, chữa cháy, ngày 07/6/2024 Tổ công tác số 1, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức làm việc và kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn thực tế tại địa bàn Công an các huyện, thị xã: Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây.
Tại buổi làm việc, các đơn vị tập trung thảo luận về công tác triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố, Công an Thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cũng như tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, bàn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó trọng tâm là việc triển khai tổ chức kiểm tra, rà soát đối với các loại hình công trình có nguy cơ cháy nổ cao (nhà trọ; nhà ở nhiều căn hộl chung cư; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao; cơ sở lán tạm, xây dựng không phép, trái phép...).
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại Hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị các đơn vị cần phải khẩn trương và quyết liệt hơn nữa, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, công điện chỉ đạo của Thành phố tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp rà soát các nội dung, nhiệm vụ của cấp trên để chỉ đạo thực hiện, theo hướng phải rõ từng nội dung, nhiệm vụ, từng đơn vị được giao nhiệm vụ, từng thời hạn hoàn thành cụ thể.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Công an các quận, huyện, thị xã cần tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp có quy định cụ thể trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân, các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn về PCCC thuộc phạm vi quản lý; thành lập các Tổ công tác để duy trì hằng tuần trực tiếp xuống địa bàn cấp xã, phường, cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, hướng dẫn phải thiết lập bằng biên bản, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC từ đó hướng dẫn rõ giải pháp để cơ sở thực hiện, nhất là các giải pháp trước mắt về PCCC như: giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực để ở và lối thoát nạn; tách biệt khu vực để xe xăng và khu vực xe đạp, xe máy điện; bố trí lối ra thoát nạn an toàn và mở lối thoát hiểm, thoát nạn khẩn cấp qua ban công, lôgia, lối ra mái, trang bị các phương tiện, thiết bị, công cụ PCCC, phá rỡ ...
Tổ công tác kiểm tra thực tế công tác PCCC tại cơ sở.
Yêu cầu Chủ cơ sở, chủ hộ phải xây dựng phương án, dự kiến các tình huống thoát nạn và thường xuyên tự tổ chức tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho 100% người dân sinh sống trong toà nhà.
Ngoài việc hướng dẫn người đứng đầu cơ sở thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn về PCCC, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết đối với những cơ sở chây ỳ, có dấu hiệu trốn tránh, không thực hiện khắc phục (tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; tham mưu các biện pháp cưỡng chế, giảm ngừng cung ứng, cắt điện, cắt nước,… đối với các công trình vi phạm).
Cũng trong dịp này, 06 Tổ công tác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đồng loạt xuống địa bàn 30 quận, huyện, thị xã để hướng dẫn, phối hợp với Công an cấp huyện, cấp xã và UBND xã phường trong việc kiểm tra thực tế, đánh giá, hướng dẫn các điều kiện an toàn về PCCC cũng như những giải pháp trước mắt cần thực hiện ngay đối với cơ sở, nhà dân, trọng tâm là loại hình nhà ở cho thuê trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Duy Khương - Pháp luật Plus