Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mạng xã hội

23/10/2021 08:54

Kinhte&Xahoi Ngoài Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, cổng/trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương, thời gian tới Bộ Công an sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua mạng xã hội và các ứng dụng trên thiết bị di động.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDP gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027” (Đề án) vừa được Thủ tướng ban hành Quyết định số 1739/QĐ-TTg phê duyệt.

Ứng dụng CNTT cho 90% Công an xã, phường, thị trấn

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là phấn đấu 100% quy định của pháp luật về an ninh, trật tự liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân như: các quy định pháp luật về hình sự; dân sự; thi hành án; xử lý vi phạm hành chính; cư trú; đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội... được thông tin kịp thời đến quần chúng nhân dân bằng hình thức phù hợp (trừ những quy định thuộc bí mật nhà nước), đưa pháp luật về an ninh, trật tự vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Ngành Công an cũng bảo đảm từ 90% đến 100% đối tượng đặc thù ở cơ sở thuộc phạm vi quản lý, giáo dục của lực lượng CAND được phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến quá trình giáo dục, cải tạo, quản lý đối tượng. Phấn đấu 90% Công an xã, phường, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức phù hợp với yêu cầu công tác công an trên địa bàn và theo quy định của pháp luật.

Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2027 tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đóng tại xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý (địa bàn cơ sở). Trong đó, ưu tiên thực hiện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Cũng theo Đề án, thực hiện công tác PBGDP là lãnh đạo cơ quan Công an các cấp; cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân được phân công thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn cơ sở và Công an xã, phường, thị trấn. Còn đối tượng được PBGDP là quần chúng nhân dân; các đối tượng đặc thù thuộc phạm vi quản lý của lực lượng CAND; các cơ quan, tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp tại địa bàn cơ sở.

Huy động đội ngũ luật sư có uy tín tham gia

Ngoài việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; đổi mới nội dung, hình thức PBGDP của lực lượng CAND; Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về PBGDP gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật, hướng hoạt động PBGDP về cơ sở, một trong những giải pháp được Bộ Công an đề xuất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác PBGDP.

Cụ thể, trong thời gian thực hiện Đề án, ngành Công an sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, cổng/trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương, mạng xã hội và các ứng dụng trên thiết bị di động.

Công an các đơn vị, địa phương cũng được giao nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong và ngoài ngành Công an tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục PBGDP trên các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức phong phú; tăng cường lồng ghép nội dung pháp luật trong các chương trình giải trí trên sóng phát thanh, truyền hình; chú trọng hoạt động tư vấn, giải đáp, đối thoại chính sách pháp luật và bố trí vào các khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả; tổ chức các đợt cao điểm phổ biến, truyền thông về lĩnh vực pháp luật quan trọng, được xã hội quan tâm.

Đề án lưu ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác PBGDP của lực lượng công an nhân dân nói chung và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án nói riêng phải mang tính hai chiều: vừa bảo đảm hiệu quả việc truyền đạt thông tin pháp luật đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu, ghi nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.

Đáng chú ý, Đề án cũng nhấn mạnh việc động viên, khuyến khích thành viên, hội viên của những đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, tư vấn pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý tích cực tham gia tư vấn pháp luật, PBGDP, trợ giúp pháp lý cho quần chúng nhân dân. Huy động sự tham gia của đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, người có uy tín và hiểu biết pháp luật trong cộng đồng... tham gia thông tin, phổ biến, tư vấn, giải đáp pháp luật cho Nhân dân.

Đề án có hiệu lực thi hành từ ngày 18/10/2021.

 Gia Khánh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tang-cuong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-thong-qua-mang-xa-hoi-d169208.html