Tăng cường quản lý thông tin trên không gian mạng
Kinhte&Xahoi
Cùng với các biện pháp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xây dựng các tiêu chí, công cụ để định hướng, đo lường các hành vi trên không gian mạng. Đây là những cách làm mới thể hiện sự thay đổi quyết liệt, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Huyền, tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội chưa được xử lý dứt điểm. Cùng với đó, việc livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có nội dung vi phạm pháp luật, gây bức xúc, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ mất thời gian. Thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật vẫn diễn biến phức tạp. Trò chơi không phép (game “lậu”), đánh bạc, đổi thưởng tiếp tục gia tăng trên các kho ứng dụng do vẫn được hỗ trợ kết nối thanh toán quốc tế qua trung gian thanh toán…
Để ngăn chặn các vi phạm trên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã rà soát, kiểm tra và xử lý hàng trăm tên miền gây nhầm với báo chí; thu hồi 1 giấy phép trang tin; xử phạt 12 doanh nghiệp với số tiền 185 triệu đồng, tạm dừng 5 tên miền vi phạm; lập danh sách 77 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi, chấn chỉnh. Bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, YouTube, TikTok) gỡ bỏ thông tin xấu, độc đạt tỷ lệ 92%. Đặc biệt, các nền tảng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã nộp thuế trực tiếp trên 3.100 tỷ đồng. Đồng thời, các nhà cung cấp kho ứng dụng xuyên biên giới đã ngăn chặn, gỡ bỏ game lậu, game vi phạm pháp luật (Apple gỡ 34 game, Google gỡ 93 ứng dụng). Cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo trên mạng 15 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 210 triệu đồng...
Cũng theo bà Nguyễn Thanh Huyền, số lượng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động cũng như trò chơi điện tử được cấp phép trong năm 2022 đều giảm, cho thấy phần nào việc tăng cường quản lý nhà nước với lĩnh vực này.
Định lượng hóa quản lý thông tin điện tử
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do, trong năm 2022, cơ quan quản lý nhà nước đã có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Bên cạnh các biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm, cơ quan quản lý đã đưa ra các quy định và công cụ để doanh nghiệp, người dân nhận biết, phòng tránh theo cách “muốn quản được phải thấy được”.
Cục đã ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội; và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; đồng thời xây dựng bộ Nhận diện các hành vi vi phạm hành chính liên quan để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, đối chiếu. “Đây là những điểm mới góp phần định tính, định lượng hiện tượng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từ đó nhận diện sai phạm và xử lý”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Cùng với đó, Cục đã công bố Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; tăng cường năng lực rà quét của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia lên 300 triệu tin/ngày và chuyển giao công cụ cho bộ, ngành, địa phương để chủ động rà quét, xử lý. Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, quy tắc ứng xử, đạo đức xã hội…
Các biện pháp tăng cường quản lý đã được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ và cam kết tuân thủ. Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, tiêu chí nhận diện vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử mang tính định lượng cao. Cùng với đó, cơ quan quản lý nên chú trọng tạo không gian cho đổi mới sáng tạo. Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Thu Giang đề xuất, cơ quan quản lý cần xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn nữa để làm lành mạnh môi trường mạng và tạo sự công bằng với những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, Cục sẽ cùng với các đơn vị liên quan xây dựng thể chế, rút ngắn thủ tục hành chính, thí điểm cách quản lý mới; tiếp tục công bố bộ danh sách nội dung “sạch” (WhiteList) và nội dung “đen” (BlackList) trên mạng để người dân, doanh nghiệp biết…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp phép dịch vụ theo phương châm “cấp phép được, thì cũng rút phép được”, không để tình trạng cấp phép xong không biết hoạt động như thế nào. Cùng với đó, sẽ nghiên cứu cơ chế đặt hàng tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử để phục vụ người dân. Các biện pháp mạnh được triển khai đồng bộ để làm lành mạnh không gian mạng.
Việt Nga - Hà Nội mới