Tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 4 triệu đồng
Kinhte&Xahoi
Bộ Giao thông vận tải, vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2024.
Tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 4 triệu đồng. Ảnh minh họa - Nguồn ảnh internet
Theo Thông tư mới, các đường bay từ 500km đến dưới 850km có giá trần là 2,25 triệu đồng/chiều, tăng 50.000 đồng so với giá trần hiện hành.
Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km có mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với hiện hành.
Với chặng bay từ 1.000km đến dưới 1.280km (khoảng cách bay từ Hà Nội đến TP.HCM), dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.
Đối với đường bay từ 1.280km trở lên, dự thảo đề xuất mức giá trần là 4 triệu đồng, cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng.
Với đường bay dưới 500km, giá vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/chiều.
Đây là các mức giá trần chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, các khoản phí soi chiếu an ninh, phí dịch vụ mặt đất được hãng bay thu hộ và các dịch vụ nâng cao của hãng hàng không.
Giá trần vé máy bay nội địa lên mức 4 triệu đồng. (Ảnh: chụp màn hình)
Như vậy, Bộ GTVT đã chính thức nâng giá trần vé máy bay. Tuy nhiên, Bộ vẫn chưa tính tới bỏ hoàn toàn trần giá vé như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.
Việc áp giá trần vé máy bay được Bộ GTVT lý giải là công cụ điều tiết của nhà chức trách nhằm đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho người dân và tránh độc quyền từ các hãng hàng không.
Tuy nhiên, khung giá vé máy bay được áp dụng từ năm 2015 đến nay không còn phù hợp do hàng loạt chi phí đi kèm, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng lên.
Các hãng hàng không do gặp khó khăn về tài chính nên đã nhiều lần kêu gọi Bộ GTVT bỏ giá trần vé máy bay, để việc điều tiết giá do thị trường tự do quyết định.
Phạm Duy - Pháp luật Plus