Tăng tính phản biện tại kỳ họp HĐND
Kinhte&Xahoi
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố đã tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề để quyết định kịp thời các chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày, song kỳ họp chuyên đề có tính phản biện cao, điển hình là kỳ họp chuyên đề vừa diễn ra ngày 29-3.
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ mười lăm (kỳ họp chuyên đề), HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Viết Thành
Giải trình chưa rõ, chưa thông qua
Tại kỳ họp thứ mười lăm, khóa XVI diễn ra ngày 29-3, HĐND thành phố đã nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua 18 nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên quyết không xem xét thông qua những vấn đề chưa được chuẩn bị kỹ, HĐND thành phố đã dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét tờ trình, dự thảo nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố.
Sau khi xem xét tờ trình, nghe báo cáo thẩm tra, giải trình thêm của Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND thành phố, đại biểu HĐND thành phố kiên quyết không thông qua 21 dự án nông thôn mới nâng cao, vì chưa được UBND thành phố giải trình thỏa đáng về sự phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn.
Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, đối với việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2024 theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 8-12-2023, ngân sách cấp thành phố bố trí cho Kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 47.410 tỷ đồng, nhưng mới phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án là 28.618 tỷ đồng, còn 18.792 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
Điều hành phần thảo luận trước khi ban hành nghị quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, số lượng dự án đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương nhưng chưa được UBND thành phố phê duyệt dự án còn lớn (167 dự án), dẫn đến chưa đủ cơ sở để giao vốn hằng năm cho các chủ đầu tư. Tổng số vốn trung hạn phải tiếp tục giao kế hoạch và hấp thụ vốn trong 2 năm 2024-2025 là hơn 140.000 tỷ đồng, bằng 55,14% tổng vốn Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Điều này cho thấy, áp lực hoàn thành kế hoạch đầu tư trung hạn là rất lớn. Vì thế, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo, có các giải pháp mạnh và quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh thủ tục, tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ hấp thụ vốn đầu tư và giải ngân, hoàn thành kế hoạch đã được HĐND thành phố quyết nghị tại kỳ họp cuối năm 2023.
Cần đáp ứng thứ tự ưu tiên vốn
Sở dĩ đại biểu HĐND thành phố chưa đồng tình với giải trình của UBND thành phố, vì qua giám sát, khảo sát lĩnh vực vốn đầu tư công, thành phố vẫn chưa thực sự đáp ứng nguyên tắc thứ tự ưu tiên cho một số dự án cấp thành phố, trong đó bố trí vốn kéo dài quá thời hạn quy định tại Khoản 2, Điều 52 Luật Đầu tư công vẫn diễn ra.
Khảo sát thực tế và rà soát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho thấy, vẫn còn những dự án được xác định hoàn thành trong năm 2024 nhưng phương án đề xuất bố trí vốn không đủ để thực hiện theo mức vốn đầu tư đã được phê duyệt. Vì thế, UBND thành phố cần rà soát để bảo đảm bổ sung đủ vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024.
Đặc biệt, nguyên tắc bố trí vốn cũng chưa được bảo đảm, nhất là với một số dự án mới cùng mức độ thủ tục, tiến độ nhưng tỷ trọng bố trí không đồng đều so với tổng mức đầu tư được duyệt. Đơn cử như Dự án xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội - cơ sở 2 đề xuất bố trí 5 tỷ đồng/789 tỷ đồng, trong khi Dự án xây dựng Trung tâm Pháp y Hà Nội đề xuất bố trí 30 tỷ đồng/277,8 tỷ đồng; Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 đề xuất bố trí 5 tỷ đồng/1.495 tỷ đồng, trong khi Dự án nâng cấp đường tỉnh 428A đoạn từ cầu Cống Thần đến Cầu Giẽ đề xuất bố trí 40 tỷ đồng/125,8 tỷ đồng...
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, Ban đã đề nghị rà soát nguyên tắc bố trí vốn đối với một số dự án mới cùng mức độ thủ tục, tiến độ nhưng tỷ trọng bố trí không đồng đều so với tổng mức đầu tư được duyệt, tránh trường hợp bố trí tùy tiện, không phù hợp với nội dung công việc triển khai trong năm. Bên cạnh đó, Ban kiến nghị UBND thành phố sớm hoàn thiện thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư và có giải pháp để hấp thụ số vốn 4.190 tỷ đồng trung ương giao để thực hiện Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Rõ ràng, hoạt động giám sát tại kỳ họp của HĐND thành phố ngày càng phát huy hiệu quả; kiên quyết không xem xét thông qua đối với những vấn đề chưa đủ hồ sơ so với quy định; giải trình chưa thỏa đáng. Mong rằng, tinh thần hoạt động này của đại biểu HĐND thành phố tiếp tục phát huy ở các kỳ họp tiếp theo.
Tuấn Việt - Hà Nội mới