Tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 13,71%
Kinhte&Xahoi
Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 13,71% so với cuối năm 2022.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)
Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023 diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2024. Theo đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chủ động, có những cơ chế mới trong việc điều hành tín dụng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Như vậy, năm 2023, hệ thống TCTD đã đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.
Năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nếu tính thêm dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ đưa thêm vào nền kinh tế vào năm 2024 nếu tăng trưởng đạt 15% như dự kiến đặt ra.
Phó Thống đốc cho biết, nếu điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo dòng vốn vào đúng đối tượng cần thiết, cũng như an toàn hệ thống tín dụng được giữ vững, thì giữa năm hoặc cuối năm, NHNN có thể mở rộng tín dụng, giao thêm cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để tăng trưởng tín dụng.
Trước hết, về bối cảnh năm 2024, qua tổng kết tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương sáng nay và đặc biệt là định hướng điều hành của Chính phủ, năm 2024 có nhiều dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế trên cơ sở kết quả của năm 2023.
Thứ hai, muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố, như lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước dịch Covid-19. Thậm chí có chuyên gia đánh giá lãi suất đang thấp nhất trong khoảng 20 năm qua. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tín dụng có thể tăng mạnh.
Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm hơn 2,5% so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của NHNN dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.
Thứ ba, về cơ chế điều hành cũng như việc triển khai thực hiện cho vay của các NHTM, năm nay, NHNN đã có sự chủ động, có những cơ chế mới trong việc điều hành tín dụng, đã giao ngay từ trước ngày 01/01/2024 vừa qua về hạn mức tín dụng cho tất cả các TCTD là 15% để các TCTD phấn đấu làm sao đạt được chỉ tiêu đó.
Cụ thể, ngày 31/12/2023, NHNN đã ban hành văn bản số 10167/NHNN-CSTT gửi các TCTD về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu TCTD kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Phó Thống đốc cho biết thêm, nếu như ngân hàng, TCTD nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì NHNN sẽ tiếp tục giao thêm.
Lê Hải - Pháp luật Plus