Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng diễn biến phức tạp
Kinhte&Xahoi
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tình trạng tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp
“Tham nhũng vặt” tiếp tục gây bức xúc trong Nhân dân
Sáng 4/11, báo cáo trước Quốc hội về thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc phát hiện các hành vi phạm tội trong một số lĩnh vực, còn chậm.
Số lượng các vụ việc bị phát hiện chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm trên thực tế, kết quả xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước.
Đặc biệt, theo bà Nga, tình trạng tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, “tham nhũng vặt” tiếp tục gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận, song việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và còn giảm 4,18% so với cùng kỳ.
Cũng theo bà Nga, nhiều vụ việc xây dựng trái phép diễn ra công khai tại nhiều địa phương trong thời gian dài. Tuy nhiên, có một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước liên quan. Đồng thời, dư luận cho rằng có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, cấp phép, thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực xây dựng nhưng chưa được phát hiện.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải, xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và ô nhiễm nguồn nước đáng báo động nhưng công tác phòng ngừa, xử lý chưa đạt yêu cầu, việc xử lý hình sự còn rất thấp so với số vi phạm phát hiện được (chiếm 1,58%).
Nguy cơ bỏ lọt tội phạm từ các vụ án sắp hết thời hiệu
Về chất lượng hoạt động điều tra, bà Nga cho rằng, còn một số hạn chế. Năm 2019, còn để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan. Đáng lưu ý, số lượng các vụ án tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 vẫn tăng tới 2.115 vụ.
“Đây là vấn đề lớn, Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị qua nhiều năm nhưng số vụ tạm đình chỉ không những không giảm mà tiếp tục tăng lên qua các năm, cho tới nay còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ, trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đề nghị Chính phủ có giải pháp để xử lý tình trạng này”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa cũng được bà Nga nêu ra là cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong. “Đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm”, bà Nga nhấn mạnh.