Thơ mộng ngàn sắc hoa
Người Hà Nội không chỉ đếm thời gian bằng ngày, bằng tháng mà còn đếm thời gian bằng những mùa hoa, lá, bằng tiết trời. Tháng 3, thời điểm giao mùa, khi những cơn mưa phùn mang theo hơi ấm ngày xuân vào thành phố lại khiến lòng người nao nao, lãng đãng. Sống lâu ở Hà Nội, bạn mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của thành phố này và thêm thấu hiểu, vì sao trải qua bao nhiêu xô bồ, biến đổi, người đi xa luôn hướng về nơi này.
Tháng 3 - khúc giao mùa thương nhớ của Hà Nội
Giữa nhịp sống xô bồ, vội vã của thủ đô Hà Nội, đôi khi chúng ta quên mất tháng ngày. Song, đôi khi chỉ cần thoang thoảng trong gió một mùi hương hoa bưởi dịu ngọt là bạn sẽ nhận ra ngay tháng 3 đã về.
Lúc hương hoa bưởi phảng phất quanh ta là lúc hoa sưa rụng trắng vỉa hè Hà Nội. Hoa bưởi không thơm ngất như hoa lan, không nồng nàn như hoa sữa mà nó chỉ thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ bay theo làn gió.
Với những người bận rộn, lắm khi còn chẳng nhớ được ngày tháng nhưng hễ cứ đi qua những con phố như Phan Đình Phùng, Xã Đàn, Kim Mã, Giãng Võ… – nơi “neo đậu” của những gánh hoa rong, ngửi thấy hương hoa bưởi ngào ngạt, dịu dàng, là biết tháng 3 đã về.
Ở thành phố, thật khó để kiếm được một cây hoa bưởi bởi thân cây khá lớn so với những khu vườn thành thị chật hẹp. Nhưng ở những vùng ven đô, ngoại thành, hầu như xóm nào, làng nào cũng có thể bắt gặp những chùm hoa bưởi trắng muốt, tỏa hương dịu dàng những ngày sau Tết. Những cánh hoa trắng muốt ấy sẽ theo những chiếc xe hoa rong ruổi nhau đi khắp các ngả đường nội thành, gợi lên trong lòng nhiều người ký ức tuổi thơ.
Cây bưởi là đặc trưng ở miền đồng bằng Bắc Bộ, người ta không chỉ ăn quả mà hoa bưởi cũng được sử dụng nhiều như để ướp trà, ướp mía, ăn cùng chè, nấu nước gội đầu hay nhiều gia đình còn bẻ một cành hoa bưởi để thắp hương trên bàn thờ gia tiên trong ngày Rằm.
Nếu bạn hỏi tháng 3 Hà Nội có hoa gì, thì bên cạnh hoa bưởi thơm thoang thoảng, người ta còn nhớ đến tháng 3 vì hoa sưa. Chẳng biết những cây hoa sưa xuất hiện ở Hà Nội từ khi nào, chỉ biết rằng, cây nào cây nấy đều cao lớn, vạm vỡ, đứng âm thầm, lặng lẽ trên các con phố mà ngày thường ít ai để ý, phải đến độ tháng 3, khi những chùm hoa trắng muốt đua nhau bung nở kín đặc cả tán cây, khách qua đường mới nhận ra sự hiện diện của chúng.
Tháng 3, ở những góc phố đường Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương hay Hoàng Diệu, những chùm hoa sưa đua nhau bung nở đặc kín cả tán cây. Dưới màn mưa lất phất, chỉ cần ta ngước mắt lên đã thấy một góc trời trắng xóa những cánh hoa, khiến góc phố chẳng khác nào một khuôn hình được ghi lại ở trời Tây.
Không có màu sắc rực rỡ như của hoa phượng, hay tím biếc như hoa bằng lăng, cũng không có hương thơm đặc trưng như của hoa sữa… Sắc trắng của hoa sưa sẽ đem đến cho bạn cảm giác tươi mới, thanh khiết. Trong nhịp sống tất bật, màu trắng của hoa sưa làm cho khung cảnh của thành phố trở nên yên bình và nhẹ nhàng hơn.
Tưởng chừng chỉ có thể đến Tây Bắc mới được thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa ban. Hà Nội tháng 3, du khách có thể chiêm ngưỡng sắc trắng và tím mộng mơ của loài hoa xinh đẹp này.
Loài hoa đặc trưng của vùng núi cao này không được trồng phổ biến ở Hà Nội nhưng vẻ đẹp của nó mang lại thì không hề kém cạnh. Cứ đến tầm tháng 3 là chúng lại “rủ nhau” nhuộm tím cả một khoảng trời như mang theo mùa xuân trên rẻo cao về với thành phố vậy.
Mùa hoa ban tím cũng giống như hoa sưa, nở ồ ạt và rồi cũng chóng tàn chỉ sau một cơn mưa, nên nếu bạn yêu thích vẻ đẹp của loài hoa này thì hãy tranh thủ cùng bạn bè đến ngay đây để ghi lại những khoảnh khắc đẹp, nếu không sẽ phải ngậm ngùi tiếc nuối đấy!
Tháng Ba hoa gạo nở rồi
Chiều gom nắng nhạt anh ngồi chờ em
Nhắc đến tháng 3 Hà Nội, làm sao có thể quên được sắc đỏ của hoa gạo. Mỗi khi hoa gạo bắt đầu nở rộ dưới ánh nắng vàng ửng và dịu nhẹ là báo hiệu cho mùa xuân sắp hết và nhường chỗ cho mùa hè chói chang.
Hoa gạo là loài hoa gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Hình ảnh hoa gạo nở rộ giữa lòng Hà Nội không chỉ tạo nên một vẻ đẹp thanh bình mà còn có thể làm nhói lòng những người con xa quê khi nhớ về quê hương và những ký ức tuổi thơ.
Hà Nội tháng 3, hoa gạo rơi rụng xuống cả mặt đường nhìn từ xa giống như một tấm thảm mềm mại. Những đứa trẻ thích thú nhặt từng bông hoa rồi tung lên trời. Người lớn thì say sưa đứng nhìn từng bông hoa nhẹ nhàng rơi xuống mặt đường. Người ta nói rằng hoa gạo chính là vị khách quý của Thủ đô quả không sai.
Khúc giao mùa thương nhớ
Thời tiết tháng 3 Hà thành giống như một cô gái ẩm ương, đỏng đảnh, đang tuổi mới lớn.
Tháng 3 là một trong những thời điểm “khó ở” nhất ở Hà Nội, sáng nắng, chiều mưa, thỉnh thoảng lại có mưa phùn, mưa bụi lất phất ẩm ướt. Giữa làn mưa xuân lại xen kẽ vài cơn gió lạnh còn sót lại của mùa đông. Nhưng cũng bởi vì vậy mà nó lại mang đến một nét quyến rũ rất riêng, làm say lòng các du khách khi đến Hà Nội.
Khi độ ẩm cao, trời nồm, quần áo giặt rất lâu khô, những cơn mưa phùn, mưa bụi lất phất khiến không khí lúc nào cũng ảm đạm, ướt nhẹp, chính cái sự u ám đó lại mang đến nét quyến rũ rất riêng. Dậy sớm vào một buổi sáng, dạo bộ quanh bờ Hồ Gươm, hồ Tây, hay bất cứ một con hồ, góc phố nào ở Hà Nội, bạn sẽ được tận hưởng màn sương khói bảng lảng, bồng bềnh.
Tháng 3 cũng là lúc Hà Nội “hát” khúc giao mùa khi trời chuyển mình từ xuân sang hạ. Khi du lịch quanh Hà Nội, bạn đừng quên mang theo một chiếc ô nhỏ, tay trong tay với người bạn đồng hành đi dọc con đường ngắm nhìn lá vàng rơi hay hoa sưa, hoa ban đua nhau nở, cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn mà nơi đây mang lại.
Cuối tháng 3 Dương lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu những đợt rét nàng Bân cuối cùng, kết thúc một mùa đông rét mướt. Những ai ở miền Bắc lâu chẳng còn xa lạ với đợt lạnh cuối mùa này nhưng với những du khách phương xa thì đây quả thực là dịp hiếm có để tận hưởng chút se se lạnh của Hà Nội vốn đã đi vào thi ca, nghệ thuật. Ngay ở cái tên cũng đã gợi lên biết bao nhung nhớ, lãng mạn. Đợt rét này thường có cường độ yếu, chỉ kéo dài vài ngày, trước khi đất trời vào hạ.
Chi Chi - TTTĐ