Tham dự chương trình đối thoại có lãnh đạo thành phố; đại diện các sở, ngành thành phố cùng hơn 40 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất đa ngành, đầu tư xây dựng, giao thông - vận tải, y tế, phân phối bán lẻ...
Đại diện hơn 40 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất đa ngành, đầu tư xây dựng, giao thông - vận tải, y tế, phân phối bán lẻ... tham dự chương trình.
Theo số liệu thống kê, quý I-2020, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Tính riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 5.832 triệu USD, giảm 21,3%...
Vì thế, chương trình "Đối thoại với doanh nghiệp" là dịp để cộng đồng doanh nghiệp có ý kiến thẳng thắn, cởi mở, chân thực về các khó khăn, vướng mắc, nhất là các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua đó, các sở, ban, ngành thành phố lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ khó khăn; trả lời, giải quyết thấu đáo các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp, với vai trò là động lực phát triển, sẽ tăng cường liên kết và hỗ trợ nhau, tạo sức mạnh cộng hưởng; đóng góp ý tưởng, đề xuất sáng kiến giúp thành phố hiện thực hóa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thực tế thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, thành phố chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới, thành phố đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546.000 tỷ đồng); thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai 7 nhóm giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Trong đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 tất cả các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai nhanh các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, sự kiện "Đối thoại với doanh nghiệp" chính là sự chung tay giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
Tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp
- Đề nghị xem xét giảm hoặc gia hạn nộp tiền thuê đất; giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp tập trung nguồn lực ổn định sản xuất, kinh doanh.
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, chi phí môi trường đối với lĩnh vực du lịch, vận chuyển hàng không...
- Giảm chi phí đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu (xăng, điện, vận tải, hải quan, giám định...) để nâng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, nhất là nông sản.
- Giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ đối với doanh nghiệp và người lao động... |