Ảnh minh hoạ.
Nhằm tìm hiểu các doanh nghiệp chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất mùa cao điểm như thế nào; đâu là những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để bảo đảm hàng hóa cung ứng cân bằng cho thị trường. Có mặt tại buổi tọa đàm có ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM; bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM và Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op; đại diện Công ty Ba Huân; Công ty Vissan.
Trải qua những ngày tháng giãn cách xã hội, mặc dù còn nhiều khó khăn trong giai đoạn thích ứng an toàn hiện nay. Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM cho biết:
“Điều hạnh phúc nhất hiện nay là các doanh nghiệp đang tích cực, sôi động chuẩn bị nguồn hàng hóa để đưa ra thị trường. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao vì suốt quá trình chống dịch, không thể nghĩ rằng dịp Tết năm nay được cùng toàn dân, cùng các doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm thiết yếu, nhất là với ngành lương thực, thực phẩm. Tại doanh nghiệp, không khí tất bật chuẩn bị Tết đang được tiến hành rất tốt, đầy khí thế”.
Hiện tại, thị trường bán lẻ tại TPHCM đã bắt đầu sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng tích cực. Tổng doanh số bán buôn, bán lẻ trong tháng 10 ở mức 43.000 tỷ, tháng 11 là 55.000 tỷ, tháng 12 dự kiến đạt hơn 66.000 tỷ - ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Công Thương TPHCM) bày tỏ.
Để sẵn sàng phục vụ mùa cao điểm dịp Tết, ngành công thương TPHCM đã làm việc với các tỉnh, các DN bình ổn, DN chủ lực sản xuất chuẩn bị hàng Tết, ở mức hơn 19.000 tỷ đồng, phục vụ dự trữ hàng. Chương trình hàng bình ổn thu hút 80 DN tham gia.
Bên cạnh đó, TPHCM đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung do UBND Thành phố chủ trì, từ 15/11 đến 31/12 với khoảng 1.700 doanh nghiệp tham gia, hơn 7.000 chương trình khuyến mãi với mức khuyến mãi khoảng 30%.
Tại Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định đã chuẩn bị một nguồn hàng lương thực thực phẩm tương đối đầy đủ.
Tính đến thời điểm này, dự trữ lượng trứng của Công ty Ba Huân đạt khoảng 90%. Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; 4.200 tấn hàng thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng hàng hóa Sài Gòn Co.op đang chuẩn bị trước, trong và sau Tết là khoảng 6 nghìn tỷ đồng… Ngoài không thiếu hàng, các DN sẽ cung cấp đầy đủ những hàng đặc sản đặc biệt của các tỉnh, thành phố.
“Bà con không lo hàng bán bị tăng giá vào dịp Tết, mặc dù trong bối cảnh cuối năm vừa qua, thị trường cũng có tăng giá nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng của Sài Gòn Co.op thì những hàng hóa trong Sài Gòn Co.op không lo tăng giá”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op khẳng định.
Thực tế, thời gian qua DN chế biến thực phẩm đã trải qua giai đoạn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, vẫn tiếp tục khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào nguồn từ trong nước và nhập khẩu nước ngoài đều tăng từ 20-40%. Chi phí sản xuất tăng gấp đôi vào lúc sản xuất 3 tại chỗ nhưng đưa hàng ra thị trường vẫn không tăng giá. Các DN thành viên lương thực, thực phẩm vẫn đăng ký cam kết với Sở Công Thương cung ứng đủ hàng và không tăng giá vào dịp Tết.
Bà Lý Kim Chi cho biết: “Với tư cách cầu nối với các DN thực phẩm, tôi xúc động với tấm lòng các DN đã đồng lòng chia sẻ cho an sinh của người dân Thành phố. Tôi biết tường tận nhiều DN từ trong dịch đến giờ đưa sản phẩm ra hoà vốn, thậm chí lỗ nhưng DN vẫn kiên quyết bảo đảm đủ lượng hàng hoá, giữ giá bình ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đó là tấm lòng của DN”.
Để chia sẻ khó khăn đó, DN cũng đã được Chính phủ, Thành phố hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ, qua đó tạo động lực giúp cho DN đi tới trong giai đoạn kế tiếp.
Chia sẻ về câu chuyện của DN mình, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân cho hay: “Xe chạy giờ cao điểm được mấy chục chiếc đều được Sở GTVT TPHCM cấp phép chạy hết, từ đó tạo nhiều thuận lợi cho chúng tôi, từ phía chính quyền Thành phố đến các tỉnh lân cận”.
Các DN cũng bày tỏ kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách có tính chất khoa học sát sườn nhu cầu khó khăn của DN như: Có thêm các gói hỗ trợ giúp DN đứng vững; có giải pháp quy hoạch vùng, chính sách về dự trữ kho lạnh, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, đầu vào sản xuất công nghiệp thực phẩm…
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan đề nghị các ngành chức năng quản lý chặt hơn những điểm bán tự phát vì trong suốt quá trình dịch bệnh vừa qua, một số chợ, kênh bán hàng đóng cửa, từ đó đã phát sinh nhiều điểm bán hàng tự phát, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn ra tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, một số nơi dịch diễn biến rất phức tạp. Do đó, vấn đề lưu thông hàng hóa nếu không có sự phối hợp thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Văn Dũng kiến nghị Sở Công Thương TPHCM sẽ là cầu nối với tất cả Sở Công Thương tại các tỉnh, thành phố để có sự liên kết, bảo đảm vấn đề logistics thuận lợi, không bị khó khăn, ngăn cách như trước đây. Có như vậy thì doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng ra và đưa hàng đến điểm bán, điểm phân phối một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Là người đứng đầu ngành công thương của Thành phố, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định: “Những kinh nghiệm trong quá trình phòng chống dịch, những điều kiện mà TPHCM quyết định thích ứng trong điều kiện bình thường mới giúp chúng tôi tự tin hơn. Ngành công thương Thành phố sẽ cùng với tất cả các ngành khác đảm bảo chuỗi cung ứng một cách liên tục, làm sao những sản vật đa dạng vùng miền sẽ được mang về và phân phối cho người dân Thành phố đáp ứng nhu cầu mua sắm. Đó là hồn Việt trong Tết của chúng ta”.
Xuân Thành - Pháp luật Plus