Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023. Ảnh VGP
Trong đó, Chính phủ xác định các bộ, cơ quan và các địa phương theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa, đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền cho các địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Nói gọn lại là công tác xây dựng pháp luật (XDPL), thể chế.
Cũng xin nhắc lại, trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 phiên họp chuyên đề XDPL tháng 3/2023. Theo đó, Chính phủ đánh giá cao các bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật (TCPL), đề xuất nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, cấp bách, nhạy cảm để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu, thời gian tới, công tác XDPL cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, cần tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, tăng cường thực hiện nhiệm vụ lập pháp của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực, nguồn lực phát triển KTXH trong nhiều ngành, lĩnh vực; có nhiều đột phá về thể chế để sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung các quy định về các vấn đề mới.
Bản thân công tác quản lý nhà nước đã có đặc điểm là phải bám sát thực tế; thêm vào đó, văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), TCPL thường được tổng kết từ thực tiễn, đến khi được ban hành thì thực tiễn đã có những yêu cầu mới. Nhiều khi do tầm nhìn của một số cán bộ soạn thảo, thẩm định nên ban hành được văn bản QPPL mới nhưng lại vô tình tạo ra những “nút thắt” mới, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Hay nói cách khác, trong điều hành, bao giờ cũng gặp “nút thắt”. Vấn đề mấu chốt là phát hiện ra, kịp thời tháo gỡ, với trách nhiệm cao nhất của cơ quan hành chính nhà nước.
Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023 của Quốc hội đang tới gần. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, rõ ràng phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng báo cáo kịp thời. Chính phủ đã chỉ đạo, tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, nhưng những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì thể chế hóa ngay; các vấn đề mới, nếu cần thí điểm thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đó mới đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, của kiến tạo.
Đất nước đã qua hơn 20 năm thực hiện 2 chương trình tổng thể về cải cách thủ tục hành chính. Câu chuyện làm đúng, làm hết thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, cần tiếp tục phải làm.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus